Sự hồi sinh từ một “vùng đất chết"

Nhật Khánh - Trần Sỹ| 27/04/2016 09:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phát hiện nơi đây là căn cứ điểm nuôi giấu cán bộ cách mạng của tỉnh, ngày 22/3/1947, thực dân Pháp đã nã súng liên hoàn vào những người dân thường vô tội thuộc làng Tân Lập (xã Đak Hlơ, Mang Yang, Gia Lai).

Độc ác hơn, chúng còn đốt nhà nhằm không cho một ai sống sót. Nơi đây, chỉ phút chốc bỗng trở thành bãi thây ma, làng xóm nhuốm một màu tang thương…

Ký ức buồn ngày 22/3/1947

Để tìm gặp những nhân chứng sống chứng kiến cảnh thảm sát ngày 22/3/1947, chúng tôi đã xuất phát từ TP. Pleiku vượt qua quãng đường dài hơn 100km để đến với ngôi làng Tân Lập, xã Đak Hlơ. Trò chuyện với rất nhiều cụ già lớn tuổi hiện đang sinh sống tại đây nhưng không ai biết được vụ thảm sát năm ấy. Vì ngày ấy, bọn thực dân Pháp ngoài việc nổ súng vào người dân thì chúng còn bao vây đốt cháy từng ngôi nhà một, mục đích không cho một ai sống sót. Trong lúc tưởng chừng như vô vọng đó, chúng tôi may mắn được một người dân dẫn đến nhà ông Nguyễn Ngấn (hiện đang sống tại tổ 6, phường An Bình, thị xã An Khê) - nhân chứng sống duy nhất chứng kiến cảnh tàn sát ấy.

Tiếp chúng tôi, ông Ngấn tay chậm rãi rót ly trà, ánh mắt như chùng lại khi nhắc đến ký ức năm xưa: “Trước đây, gia đình tôi cũng sống ở làng Tân Lập, vào ngày 22/3/1947, khi gia đình tôi đang ăn cơm thì nghe tiếng ồn ào của đoàn quân dồn dập tiến vào làng. Ban đầu, chúng tôi cứ tưởng cách mạng đã trở về nhưng không ngờ đó lại là giặc Pháp. Sau khi chúng vào làng lùng sục, phát hiện thấy có dây điện, dây đài và các vật dụng phục vụ cho hoạt động cách mạng, chúng cho quân vào làng vơ vét tất cả của cải, bắt Xã trưởng và Phó Xã trưởng đưa ra sông để tra tấn nhằm lấy thông tin. Khi thấy không thể khai thác được thông tin gì từ hai đồng chí, chúng giơ súng bắn chết cả hai người”.

Nói đến đây giọng ông đứt quãng, nghẹn đắng nơi cổ họng. Cả một miền ký ức đau thương của ngày đó như ùa về. Im lặng một lát, ông đưa tay gạt nước mắt rồi ông tiếp tục câu chuyện đang dang dở: “Chúng ra tay ác độc quá, khi không thể khai thác thông tin từ hai đồng chí Xã trưởng và Phó Xã trưởng, chúng quay lại làng, hễ thấy ai là bắn, bất kể đó là nam hay là nữ, già hay trẻ. Tiếng súng lấn át những tiếng khóc than, mọi người hoảng loạn chạy vào trong nhà ẩn nấp. Sau một hồi xả súng liên hoàn như điên dại, chúng châm lửa đốt hết tất cả những ngôi nhà trong làng khiến 368 người dân, bao gồm cả người lớn, trẻ em và phụ nữ đều bị chết. Riêng gia đình tôi may mắn kịp chạy ra bìa rừng trốn nên mới thoát nạn”.

Sự hồi sinh từ một “vùng đất chết

Cán bộ và người dân xã Đak Hlơ đến thắp nén nhang tưởng nhớ những người đã tử nạn trong trận thảm sát 1947

Việc cả làng gặp chuyện tang thương như vậy cũng bởi vì họ sớm nhận thức được con đường cách mạng mà các cán bộ chiến sỹ của chúng ta đang đi là đúng nên họ ra sức bảo vệ. Biết là hiểm nguy, có những người bị giặc bắt, tra tấn dã man nhưng họ vẫn không hề nói ra bất cứ điều gì. Mang trong lòng nỗi bực tức vì không moi được thông tin, thực dân Pháp đã lên phương án quyết định xóa sổ ngôi làng này. Chính vì vậy, những người còn sống sót cũng không đáng là bao. Điều đớn đau nhất với người dân nơi đây đó là khi biết những người thân chết nằm ngổn ngang ở đó nhưng không thể quay về làng để chôn cất.

Có lẽ, chẳng thể có nỗi đau nào lớn bằng khi mà họ bất lực và tuyệt vọng đến như vậy. Hai tháng sau quay lại thì những xác chết chỉ còn lại những bộ xương hoặc đang thối rữa. Dường như sự mất mát quá lớn khiến cho những người còn sống sót, sau khi chôn cất người thân và dân làng xong, không một ai có thể ở lại xây dựng cơ nghiệp trên mảnh đất này. Từ đó, ngôi làng vốn trước đây yên ấm, nhộn nhịp bỗng chốc trở thành vùng đất chết. Họ khăn gói ra đi, nhưng ám ảnh đau thương về vụ tàn sát thảm khốc đó cho đến bây giờ, mỗi khi màn đêm xuống, những người may mắn sống sót lúc nào cũng không thể yên giấc.

 Hồi sinh

Năm 1975, Nam - Bắc thu về một mối, đất nước hòa bình thống nhất, các nông trường, hợp tác xã dần mọc lên nhiều. Nhận thấy được đất đồi trọc ở Gia Lai nhiều, lại màu mỡ như tên gọi đất ba - zan vốn có, nên Nông trường quốc doanh sông Ba (thuộc huyện An Khê) được thành lập vào năm 1976 đã thu hút những người dân từ Bắc vào và từ Bình Định lên làm công nhân. Từ đó, vùng đất gần 30 năm không có ai sinh sống đã có những sự thay đổi, làng Tân Lập “huyền thoại” mới thật sự được hồi sinh. Đến năm 1992, Nông trường quốc doanh Sông Ba giải thể và làng Tân Lập được sáp nhập vào xã Kông Bla, huyện Kbang. Năm 1993, Nông trường quốc doanh Sông Ba và làng Tân Lập từ xã Kông Bla sáp nhập thành xã Đak Hlơ.

Lúc mới thành lập, Đak Hlơ khi ấy chẳng có gì ngoài sức người và tài nguyên đất. Bao nhiêu khó khăn chồng chất bởi cơ sở vật chất còn nghèo nàn, đời sống nhân dân còn thiếu thốn… Nhưng điều đó không làm giảm được ý chí tiến lên thoát nghèo của người dân. Cũng từ đó, người dân đi theo diện kinh tế mới từ phía Bắc và Bình Định lên ngày càng nhiều. Với họ, chỉ suy nghĩ một điều rằng vùng đất chết này sẽ được hồi sinh mạnh mẽ nếu cần cù chịu khó.

Sự hồi sinh từ một “vùng đất chết

Ông Trần Trung Dũng (vào làng Tân Lập sống từ năm 1990) cho biết, hiện gia đình ông có trên 6ha đất khai hoang. Theo lời ông thì hồi ấy, người dân làng Tân Lập không còn sống ở đây, nhưng những người đi kinh tế mới như ông có mặt ở đây đã có khoảng 20 hộ. Khi nghe kể về vụ thảm sát, mọi người không những không sợ hãi mà còn tin vào vùng đất chết khi được hồi sinh chắc chắn sẽ là mảnh đất màu mỡ để gây dựng nên cơ nghiệp.

Ông tâm sự: “Toàn bộ đất của gia đình tôi đã được trồng cây, nhờ đất đai màu mỡ nên cây cối xanh tốt. Tôi đếm được có hơn 30 ngôi mộ chôn những người dân của làng Tân Lập bị thảm sát nằm rải rác trong khu đất canh tác của chúng tôi. Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, con cháu của những người đã khuất quay lại hương khói”. Nhờ có niềm tin và việc không quản ngại khó khăn “dầm mưa dãi nắng” để cực lực lao động, cùng sự quan tâm của Nhà nước đối với những người dân nơi đây, kinh tế của làng ngày một khởi sắc. Trong 50 hộ dân của thôn hiện nay, có đến 50% hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Cán bộ xã Đak Hlơ cho biết: Thời gian đầu, quân và dân trong xã phải vật lộn với đói nghèo, gian khổ thì trong những năm gần đây, đời sống của nhân dân đã vươn lên phát triển toàn diện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 28 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm còn 52 hộ. Cơ sở hạ tầng được đầu tư và xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, vừa qua xã Đak Hlơ đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thực tế cho thấy, sự hồi sinh từ một vùng đất chết là minh chứng cho sự chịu khó vươn lên của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh. Trong ánh nắng bình minh, những chiếc lá vươn lên xanh tốt, chúng ta có thể tin rằng, vùng đất này sẽ còn hồi sinh và phát triển hơn thế nữa. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự hồi sinh từ một “vùng đất chết"