Sử dụng án lệ đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất

Mạnh Cường| 12/12/2014 16:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong hai ngày 11 và 12/12, tại TP Đà Nẵng, TANDTC tổ chức Hội thảo Áp dụng án lệ trong công tác xét xử của Tòa án. Đây là Chương trình Đối tác Tư pháp do Liên minh Châu Âu, Đan Mạch và Thụy Điển đồng tài trợ.

Sử dụng án lệ đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất

Ông Ngô Cường - Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, TANDTC; Giáo sư Marc Loth (Tilburg University) nguyên thành viên của TANDTC Hà Lan; ông Jacob Gammelgaard, Cố vấn trưởng, Chương trình Đối tác Tư pháp và cán bộ Tòa án hai cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo đó, Hội thảo được nghe Giáo sư Marc Loth nói về giá trị cơ bản của cơ quan Tư pháp, trong đó, chú trọng đến các vấn đề như: Sự độc lập, tự chủ, không thiên vị, năng lực và sự chuyên cần, quyền sở hữu, trách nhiệm công, sự liêm chính và công lý…; giải quyết các vụ án phức tạp; Nguồn luật và khuyến nghị cho việc xây dựng án lệ tại Việt Nam.

Giáo sư Marc Loth cho biết, án lệ đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống Tư pháp của Hà Lan kể cả án lệ trong luật công và luật tư. Tuy nhiên, giáo sư cũng nhấn mạnh, không phải từ trước tới nay đều như vậy. Theo tư duy truyền thống của người châu Âu lục địa thì làm luật là đặc quyền của các nhà lập pháp. Người ta đã thừa nhận về vai trò của Tòa án trong việc diễn giải pháp luật, song, án lệ chưa bao giờ được coi là án luật…và điều này đã trở thành lịch sử. Trong xét xử, kể cả mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, việc diễn giải pháp luật của Tòa án đã được công nhận là rất cần thiết và đáng mơ ước, không chỉ đối với luật dân sự mà cả luật hình sự. Án lệ được coi là một nguồn độc lập bên cạnh luật thành văn, quy ước và các điều ước quốc tế và đôi khi, có những xung đột ranh giới về những giới hạn của các trách nhiệm này và khi đó, sự cần thiết phải có án lệ như một luật độc lập càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Thực tế cho thấy, vai trò ngày càng trở nên quan trọng của Tòa án trong thế kỷ 20, không chỉ trong hệ thống pháp luật mà con trong đời sống xã hội.

Sử dụng án lệ đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất

Giáo sư Marc Loth trao đổi về án lệ của Hà Lan

Thẩm phán với tư cách là các nhà lập pháp thay thế, đồng thời, là cán cân đối trọng theo hiến pháp đã đặt Tòa ánvào trung tâm vũ đài luật pháp. Án lệ trong những vấn đề có liên quan tới đạo đức cho thấy, Thẩm phán không chỉ giới hạn mình trong những quy tắc và những xem xét có tính pháp lý nữa, mà Thẩm phán còn tính tới cả những nguyên tắc đạo đức, cũng như những hậu quả mang tính thực dụng. Vì vậy, các thẩm phán đã chứng tỏ mình là những kim chỉ nam về đạo đức. Án lệ trong công luật cho thấy, sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề đối trọng, kể cả quan điểm của cá nhân các thẩm phán. Đối với vấn đề này, các thẩm phán không chỉ trở thành yếu tố đối trọng theo hiến pháp đối với quyền lực ngày càng tăng của các nhà lập pháp và hành pháp, mà còn là người bảo vệ cho quyền lợi đã được hiến pháp ghi nhận của công dân.

Tại Hội thảo, ông Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC đã khái quát một số vấn đề về việc sử dụng án lệ tại Việt Nam. Theo đó, khẳng định án lệ đã từng được sử dụng trong lịch sử pháp luật Việt Nam. Từ sau năm 1945, từ “án lệ” đã được sử dụng trong văn bản pháp luật, trên các tập san luật học của chế độ ta.

Hiện nay, pháp luật nước ta không có quy định trực tiếp rằng, các thẩm phán thuộc Tòa áncấp dưới phải tuân theo án lệ của Tòa án tối cao và không có quy định cụ thể nào để chỉ ra Tòa án tối cao là cơ quan duy nhất ban hành ra án lệ. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 19 Luật tổ chức TAND năm 2002 đã quy định TANDTC có nhiệm vụ và quyền hạn “Hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử của các Tòa án”. Vì vậy, trong thực tiễn xét xử của hệ thống Tòa án, các Tòa án cấp dưới vẫn thường xuyên cập nhật “án lệ” của Tòa án cấp trên…

Sử dụng án lệ đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất

 Ông Jacob Gammelgaard, Cố vấn trưởng, Chương trình Đối tác Tư pháp phát biểu ý kiến

Về chiến lược cải cách Tư pháp đặt lại vấn đề sử dụng án lệ được thể hiện: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 “Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ, tập quán và quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật”. Cùng với, Nghị quyết số 49 - NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 “TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ”.

Có thể thấy rằng, phần lớn các quốc gia dù là thuộc hệ thống luật thông pháp hay hệ thống luật dân sự đều sử dụng án lệ, tuy nhiên, hiệu lực của án lệ thuộc hai hệ thống này là khác nhau. Cụ thể, trong hệ thống luật thông pháp, án lệ là nguồn luật, các Tòa án có nghĩa vụ phải tuân theo án lệ; án lệ được trích dẫn trong các bản án, được dùng làm căn cứ để kháng cáo bản án. Còn trong hệ thống luật dân sự, án lệ lại không phải là nguồn luật, các Tòa án không có nghĩa vụ phải tuân theo án lệ, không được phép trích dẫn án lệ khi giải quyết vụ án, không được phép căn cứ vào án lệ để kháng cáo bản án. Tuy nhiên, các Tòa án thường vận dụng án lệ khi giải quyết những vụ án tương tự, do đó, đương nhiên án lệ trở thành nguồn luật thực tế.

Việc quán triệt sâu sắc Nghị quyết 48 - NQ/TW và Nghị quyết 49 - NQ/TW để sử dụng án lệ ở nước ta là một yêu cầu cấp thiết. Việc sử dụng án lệ hoàn toàn không trái với Hiến pháp và pháp luật, bởi vì, theo quy định tại Điều 22 Luật tổ chức TAND thì, Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật có thể thực hiện thông qua việc ban hành Nghị quyết và cũng có thể thông qua án lệ của mình.

Sử dụng án lệ đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất

Toàn cảnh Hội thảo

Cụ thể, sử dụng án lệ sẽ đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất. Việc áp dụng pháp luật thống nhất là một yêu cầu quan trọng đối với hoạt động xét xử của Tòa án, theo đó, đường lối xét xử phải nhất quan, các vụ án giống nhau cần phải được giải quyết giống nhau. Việc áp dụng luật thống nhất còn bảo đảm thực hiện nguyên tắc “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”; không thể có trường hợp cùng những tình tiết như nhau, mà trong vụ án này, bị cáo phạt tù (giam) còn ở vụ án khác bị cáo lại phạt tù (nhưng cho hưởng án treo)…

Ở một mức độ nào đó, việc áp dụng pháp luật thống nhất còn giúp cho mọi người có thể dự đoán trước kết quả giải quyết vụ án, từ đó, góp phần hạn chế kiện tụng, hạn chế khiếu nại Giám đốc thẩm. Ngoài ra thực tế cho thấy, việc sử dụng án lệ còn giúp cho công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của TANDTC được kịp thời, đầy đủ.

Tại Hội thảo, các thẩm phán cũng đã thảo luận, đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến án lệ bằng những ví dụ điển hình, đồng thời, đặt ra những câu hỏi đối với giáo sư Marc Loth về những điểm nổi bật của án lệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng án lệ đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất