Người ta có thể định nghĩa rất rõ ràng thế nào là tin đồn, nhưng lại rất khó khăn với câu hỏi tin đồn thực chất là gì?
Mọi nỗ lực ngăn cản tin đồn, như ngăn cản một thảm họa ngôn từ vô chủ sẽ chỉ vô ích nếu không truy tìm đến tận cùng bản chất và cơ chế tồn tại của nó, cũng như cách chấp nhận và thích nghi với một xã hội không thể thiếu tin đồn.
Trước hết người viết bài này xin kể hầu bạn đọc một chuyện hoàn toàn có thật. Bà già nọ đi chợ và mua một miếng thịt bò. Trên đường về, do chen lấn vì tắc đường, do đủ thứ nguyên nhân khiến bà đánh rơi miếng thịt ở đâu đó. Khi phát hiện miếng thịt bò bị mất, bà già liền quay lại tìm. Bà cứ hỏi xem mọi người có ai nhặt được miếng thịt bò thì cho bà xin lại. Rồi mọi người thấy bà như đang tìm gì đó thì cũng quay ra hỏi thăm. Bà trả lời bị mất miếng thịt bò, bà đang đi tìm miếng thịt bò chả may bị rơi mất, nhưng đông người quá nên không tìm thấy. Chuyện chỉ có thế. Vậy mà chẳng hiểu sao, bắt đầu từ ai đó, chuyện bà già mất thịt bò nhanh chóng biến thành chuyện có một chuyến đò ngang bị đắm. Rồi có một chuyến đò bị đắm do chở quá đông người. Rồi một chuyến đò bị đắm chết rất nhiều người đi chợ…Cái tin đồn cứ thế lan nhanh như cháy đồi, không ai có thể kiểm soát khiến cả vùng tin rằng hôm đó có một con đò bị đắm, hàng mấy chục người chết đuối. Điều nguy hiểm và tức cười ở chỗ, sau khi phát hiện ra chỉ là tin đồn, những người quanh khu vực đó thì quên ngay. Nhưng tốc độ của tin đồn thì nhanh hơn cả gió, đã kịp đi rất xa, khiến vài năm sau vẫn có người hoàn toàn tin rằng đã có một con đò chở người bị đắm.
Không ai đủ sức, đủ kiên nhẫn để có thể cải chính triệt để cái tin vu vơ kia. Đó cũng là một đặc điểm nữa của tin đồn, sau cái đặc điểm mang tính nhận dạng “là thứ tin được truyền miệng mà không rõ nguồn gốc”, biến tất cả thành những kẻ nặc danh.
Bi hài nhất cho thể loại tin đồn có lẽ là chuyện xảy ra cách nay ít lâu về việc bố chồng loạn luân với nàng dâu và bị dính chặt vào nhau đến mức không sức nào gỡ ra được, phải đưa đi bệnh viện. Từ một tin đồn ác ý, thành một tin báo chí đã khiến phóng viên đưa tin mất việc!
Những ai đã đọc một tờ báo (tôi không tiện nêu tên) cách nay khoảng 10 năm, sẽ vẫn đinh ninh rằng ông bà Bill Clinton đã ra tòa chia tay và tài sản mà ngài cựu tổng thống Hợp chúng quốc được chia chỉ là một con chó! Tờ báo kia đã cẩu thả đăng lại một tin đồn có chủ ý đùa cợt của báo chí nước ngoài mà không kiểm chứng. Và rồi nó thành tin đồn vô ý ở một vùng lãnh thổ cách xa nước Mỹ cả vạn dặm.
Sự việc đang nóng nhất hiện nay liên quan đến tin đồn là chuyện bộ lư đồng của một gia đình ở Quảng Ngãi có giá tới 300 tỷ đồng. Người ta không cần biết 300 tỷ là một tài sản lớn cỡ nào, liệu có ai dám bỏ ra để mua, mua vì mục đích gì mà hấp tấp còn hơn cả ném tiền xuống cống như vậy…nhưng cứ người nọ mắt tròn mắt dẹt mỗi khi kể với người kia như vậy, cho đến khi nó được các trang mạng phụ họa, lan ra cả thế giới. Cũng chẳng ai hỏi lại tin ấy lấy ở đâu, cái người mua ấy tên là gì, chủ nhân của bộ lư nói gì…bởi đã hỏi đến thế thì chẳng cái gì thành tin đồn được nữa. Tin đồn là loại tin vu vơ, chỉ tiếp nhận một chiều. Tin đồn-khi đã thoát khỏi điểm xuất phát-là thứ tin có khả năng lan truyền vô hướng, về cơ bản là vô đích, vô vụ lợi (trừ kẻ tung tin ban đầu với chủ ý nào đó). Vì thế mà không ai ngăn chặn và cũng không thể ngăn chặn được. Sau đó nó tồn tại dưới những dạng tùy biến (có hàng vạn phiên bản) rồi tự mất. Nhưng trước khi biến mất, tin đồn luôn kịp gây ra những hệ lụy không ai lường trước được, ở mức độ nguy hiểm khác nhau, nhiều khi tới mức thảm họa, cho cá nhân hay bộ phận dân cư nào đó. Vì thế, với tin đồn, tất cả đều tự nguyện biến thành một thứ nạn nhân, trước hết là con tin của sự hiếu kỳ.
Tốc độ của tin đồn phụ thuộc vào tốc độ của truyền thông. Thời xa xưa là rỉ tai nhau. Thời gần đây là kể công khai ở chỗ đông người. Còn ngày nay internet khiến tin đồn lan truyền với tốc độ ánh sáng. Vì thế mà tác hại của nó cũng lan nhanh và rộng hơn rất nhiều, trở thành một thứ ám khí vô hình nhắm vào mọi đối tượng.
Trong bài viết này chúng tôi không có khả năng và điều kiện để giải mã hiện tượng tin đồn. Vả lại cũng đã có người nói thuyết phục hơn. Chúng tôi muốn chỉ ra một khía cạnh khác, đó là từ hiện tượng tin đồn, nghĩ về một số mặt kém cỏi của con người nói chung và người Việt chúng ta nói riêng.
Qua theo dõi sự lan truyền và khả năng nhân bản của tin đồn, chúng tôi nhận ra những môi trường sau đây là đất sống mầu mỡ của nó:
Thói hóng hớt những chuyện giật gân, chuyện của người khác. Thói quen này mang tính nhân loại, nhưng người Việt chúng ta thuộc số các dân tộc nghiện hóng hớt.
Thói thích mình là người quan trọng.
Thói tào lao, nói mà không suy nghĩ xem mình nói thế để làm gì. Thực ra đây cũng là biểu hiện của thói vô tổ chức, vô trách nhiệm.
Thói đố kị. Đây là thói xấu nhất chống lưng cho tin đồn. Một ai đó đang gặp may, một đại gia nào đó đang phất, nhất định có nhiều người đố kị. Và thế là chỉ cần hở ra tin gì đó bất lợi cho họ, là lập tức nó được thói đố kị chế lại thành đủ thứ tai nạn, tai họa, thực chất là chuyển theo những mong muốn cho họ lụn bại. Vì thế mới có chuyện nhiều người thích thú khi kể lại những đau khổ, đổ vỡ hay thất bại của người khác. Cứ để ý mà xem, ngay cả khi kể về một thảm họa đắm đò, cháy nhà, cướp tiệm vàng, mất cắp, bị cướp giật nào đó, không ít người trong chúng ta thấy âm thầm hoan hỉ, trước hết vì mình không thuộc số nạn nhân. Nhưng đáng bàn hơn, sự hoan hỉ ấy phản ánh cái mầm ác vẫn còn nằm sâu trong tâm địa, chẳng qua phải che giấu nó đi. (Mừng cho người ta gặp may có ba trăm tỷ thì ít, mà hả hê vì gia chủ có thể gặp đại hạn với bộ lư đó thì nhiều). Theo một cơ chế mang tính bản năng, nó sẽ chuyển sự phóng đại vô lối, tùy thích vào các tin đồn. Từ miệng một người mà tin đồn có thể đã tới dăm bảy phiên bản, thì khi hàng triệu người truyền nhau, chẳng hiểu nó còn bị méo mó đến đâu. Thói quen đáng xấu hổ này, với người Việt chúng ta, đã có thể được coi là căn bệnh giống nòi. Nếu không chữa chạy thì khó mà phát triển được.
Thói ích kỷ. Nhiều khi biết cái tin đồn nào đó rất ác ý, rất nguy hiểm, rất vô văn hóa nhưng cứ thổi phồng nó lên, thành cái loa tự nguyện để thỏa mãn một nhu cầu giải tỏa nào đó của bản thân, nhiều khi chỉ để cho sướng miệng.
Tạm thời khép lại ở tật cuối cùng (với bình luận này) là thói thêu dệt, ngồi lê mách lẻo. Nó là sản phẩm của căn bệnh lười biếng, nhàn cư vi bất thiện.
Những thói xấu vừa kể, có chung ở mọi dân tộc. Nhưng ở những dân tộc có nền giáo dục tốt, môi trường xã hội trong lành, ý thức cao về nghĩa vụ đạo đức, nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ lo cho tương lai, chăm chỉ làm việc thì những thói xấu đó bị kìm chế tối đa, bị bài xích và nó trở thành nỗi xấu hổ dưới góc độ văn hóa. Khi nguời ta biết rằng mình mắc những thói tật đó là đáng xấu hổ, với bản thân và với cộng đồng, thì họ sẽ tìm cách tránh xa. Tin đồn cũng vì thế mà mất dần đất tồn tại, bị cắt từ gốc rễ.
Nhưng đó sẽ còn là mơ ước lâu dài, mang tính lý tưởng. Trên thực tế rất khó để triệt tiêu được tin đồn, nếu không muốn nói thẳng rằng nỗ lực đó là vô vọng. Vì thế, cách tốt nhất là phải coi nó như một sản phẩm của xã hội, là một phần tất yếu của phát triển, vì thế phải tìm cách chấp nhận và chung sống với nó, khắc chế tối đa tác hại do nó gây ra.
Cho đến nay thì chúng tôi chưa thấy có biện pháp nào hữu hiệu hơn là xã hội phải thật minh bạch và dân chủ tối đa về thông tin.