Sông Lô qua chuyện kể của người Bí thư già

Kim Truyền| 23/07/2022 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ngày hôm nay mỗi khi nhắc lại hai từ ấy, thì cụ Nguyễn Văn Hạt (nguyên Bí thư chi bộ Hợp Nhất đầu tiên - nay thuộc xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) vẫn thấy nghẹn ngào và rưng rưng. Qua lời kể xúc động ấy của cụ, một thời đạn bom hiện lên thật hào hùng, thấm đượm nghĩa tình quân dân… và ở đó còn chứa đựng bao nỗi niềm của người con sông Lô.

Xã Hợp Nhất (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) trước đây vốn là ba xã anh hùng: Đại Nghĩa, Hữu Đô, Phú Thứ. Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 828/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Phú Thọ (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2020). Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của ba xã Đại Nghĩa, Hữu Đô và Phú Thứ thành xã Hợp Nhất.

1(1).jpg

Ông Nguyễn Văn Chung (CTX Hợp Nhất) và cụ Nguyễn Văn Hạt (Bí thư chi bộ Hợp Nhất đầu tiên)

Đặc biệt, xã Hợp Nhất nằm ở phía đông huyện Đoan Hùng và là xã duy nhất của huyện nằm ở tả ngạn sông Lô. Từ nhiều đời nay, bên dòng Lô Giang hiền hòa ấy thì nơi đây còn là một mảnh đất anh hùng, góp công lớn vào các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược: “Dòng sông Lô không chỉ là nguồn cung cấp nước tưới cho hệ thống nông nghiệp của xã Hợp Nhất từ bao năm nay, mà dòng sông cũng là tuyến giao thông vận chuyển hàng hóa quan trọng. Cùng với thời gian thì sông Lô cũng chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, trong đó có thể kể đến chiến thắng thực dân Pháp trên sông Lô” – ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch xã Hợp Nhất cho biết.

2.jpg

Các bằng khen, thưởng của cụ Nguyễn Văn Hạt, người đã có 74 năm tuổi Đảng.

Theo dòng sông Lô uốn lượn, vốn được người dân nơi đây ví như người mẹ ôm con vào lòng, đã nuôi dưỡng cho bao thế hệ “con thơ” trưởng thành. Xưa là con tép, con tôm gắn liền với hình ảnh con thuyền bến nước, giờ là sự đô thị hóa dưới cây cầu Mới vững chắc. Tôi được ông Chung dẫn đến thăm nhà cụ Nguyễn Văn Hạt, nguyên Bí thư chi bộ Hợp Nhất đầu tiên. Ngôi nhà nằm yên bình trên sườn dốc, xung quanh là vườn cây, hoa lá… “Năm ngoái cụ Hạt làm lễ mừng thọ 100 tuổi rồi và sang năm sẽ đón bằng 75 năm tuổi Đảng - ông Chung hào hứng cho biết – “Với một người có công với cách mạng như cụ thì thế hệ chúng tôi phải học rất nhiều, nhất là sự tận tụy, ham học hỏi”.

3.jpg

Cụ Nguyễn Văn Hạt xúc động kể lại thời công tác trong chiến tranh

Hơn 70 năm trước, trên dòng sông Lô (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) quân và dân ta đã đánh tan đoàn thủy binh của thực dân Pháp trên đường từ Tuyên Quang về xuôi trong chiến dịch tấn công Việt Bắc. Đây là sự kiện quan trọng, đã làm phá sản âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch trong chiến dịch Thu - Đông năm 1947, và đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới.

Chiến thắng sông Lô hùng tráng, trong đó có trận thắng lớn của pháo binh sông Lô tại Đoan Hùng. Ngày 24/10/1947, một đoàn tàu 5 chiếc của địch được máy bay hộ tống xuôi qua Bình Ca. Vào lúc 11 giờ 45 phút, đoàn tàu địch lọt vào tầm bắn của trung đội 200 bố trí ở Đoan Hùng. Trong 10 phút, khẩu đội pháo cao xạ 75 và khẩu đội sơn pháo bắn chìm tại chỗ hai chiếc tàu đi đầu. Toàn bộ quân địch chết dưới sông. Máy bay địch quần thảo bắn phá, nhân dân và du kích các làng Hữu Đô, Chí Đám, Thọ Sơn… đốt lửa tạo nên những cột khói nghi binh, đánh lừa máy bay địch, bảo vệ trận địa pháo.

4.jpg

Nhà văn trẻ Phụng Thiên chụp ảnh với cụ Hạt và qua các câu chuyện cụ kể sẽ là những tư liệu quý giá để người cầm bút trẻ hiểu hơn về cuộc kháng chiến

Du kích ở Đoan Hùng xâu dây qua các quả bưởi đã được bôi đen, rồi thả nổi trên mặt sông giả làm thủy lôi làm cho tàu địch sợ chạy sang bờ hữu ngạn gần nơi pháo ta đã bố trí. Pháo ta tiếp tục bắn hỏng nặng hai chiếc tàu nữa. Chỉ có một chiếc quay đầu chạy rất chậm trở lại Tuyên Quang. Trận Đoan Hùng pháo binh ta thắng lớn. Báo chí và đài phát thanh Pháp gọi đây là “thảm họa Đoan Hùng”. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp gửi điện cho Khu 10 biểu dương chiến công xuất sắc của Pháo binh sông Lô và ra lệnh đưa pháo lên đánh địch trên sông Gâm, bức địch rút khỏi Chiêm Hóa.

“ Sức mạnh tổng hợp làm nên chiến thắng sông Lô khi ấy đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đoan Hùng lần thứ nhất (triệu tập tại Trại Rừng – Tây Cốc, năm 1948) khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng với công tác chuẩn bị kháng chiến, biểu dương thành tích quân và dân Đoan Hùng đã giành được trong hợp đồng tác chiến giữa 3 thứ quân: dân quân du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực. Và từ đại hội cũng đã quyết định tách các cấp chi bộ Đảng. Ngày 1/5/1948 thì chi bộ Minh Khai được tách làm 3 chi bộ, trong đó có chi bộ Hợp Nhất và tôi được bầu làm Bí thư chi bộ Hợp Nhất đầu tiên” – cụ Nguyễn Văn Hạt kể.

Là địa phương nằm gần huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - căn cứ của cách mạng do vậy các xã Hữu Đô, Đại Nghĩa, Phú Thứ có nhiều quần chúng ưu tú được giác ngộ cách mạng. Năm 1948, để đáp ứng yêu cầu của phong trào quần chúng, chi bộ Hợp nhất được thành lập để lãnh đạo nhân dân vùng tả sông Lô tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng chính quyền nhân dân vững mạnh. Trong những ngày kháng chiến gian khổ, nhiều đảng viên kiên trung của Đảng đã nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu sẵn sàng hy sinh vì quê hương đất nước, lãnh đạo nhân dân tham gia trận đánh Sông Lô thu đông năm 1947 và tham gia dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

5.jpg

Ông Chung cho biết – “Với một người có công với cách mạng như cụ thì thế hệ chúng tôi phải học rất nhiều, nhất là sự tận tụy, ham học hỏi”.

“Năm 1945, tôi bắt đầu hoạt động cách mạng, nhiều khi phải băng qua cả các cánh rừng cỏ hổ, có beo để làm nhiệm vụ. Thời gian đó, tinh thần mình lên rất cao, nhiều khi đối mặt với cái sống cái chết mà không sợ. Trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ có cách mạng, có nhân dân và làm thế nào để góp một phần công sức của mình vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược”- cụ Hạt chia sẻ - “Năm 1947 cũng là thời gian mà máy bay của Pháp bay dọc sông Lô, chúng dùng đạn lửa bắn vào làng ven các thôn. Bên ta thì phải cảnh giác với âm mưu của địch, chuẩn bị chống cả địch càn và nhảy dù. Du kích mình đã vót và cắm hàng vạn cây chông tre dọc ven soi từ làng Nghĩa Khê, Đại Hội, Vân Cương, Hữu Đô. Nhiệm vụ của tôi lúc đó là kêu gọi, vận dộng dân quân phối hợp chiến đấu.”

“Chiến dịch Điện Biên Phủ, với tinh thần “ Tất cả cho tiền tuyến”, nhiều con em ở đây thàm gia tòng quân. Nhân dân Hợp Nhất nói chung cùng với nhân dân trong huyện Đoan Hùng đã tích cực tham gia vào cuộc kháng chiến làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Với những thành tích trên thì ba xã Đại Nghĩa, Hữu Đô, Phú Thứ (nay là xã Hợp Nhất) đều được Chính phủ tặng thưởng Bằng khen là các xã anh hùng. Bản thân tôi cũng vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân Chương Kháng Chiến”.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ngày hôm nay mỗi khi nhắc lại hai từ ấy, thì cụ Nguyễn Văn Hạt (nguyên Bí thư chi bộ Hợp Nhất đầu tiên) vẫn thấy nghẹn ngào và rưng rưng. Qua lời kể xúc động ấy của cụ, một thời đạn bom hiện lên thật hào hùng, thấm đượm nghĩa tình quân dân… và ở đó còn chứa đựng bao nỗi niềm của người con sông Lô. Mong rằng với sự quan tâm của các cấp chính quyền huyện Đoan Hùng và tỉnh Phú Thọ thì bên dòng sông Lô hiền hòa và trong xanh kia sẽ ngày càng phát triển về kinh tế - xã hội như lời bộc bạch của ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch xã Hợp Nhất: Trong quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất của xã Hợp Nhất thì khu Thương mại – dịch vụ tại thôn Vân Cương là 5ha, sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa trong và ngoài huyện, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Hợp Nhất tương lai sẽ có diện mạo đổi thay nhiều”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sông Lô qua chuyện kể của người Bí thư già