Chiếc máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên đã hạ cánh tại Hawaii hôm 3/7, sau một hành trình dài kỷ lục trên Thái Bình Dương kéo dài 5 ngày từ Nhật Bản trong cuộc hành trình xuyên thế giới.
Phi công Andre Borschberg và đồng nghiệp của ông đã điều khiển máy bay hạ cánh tại Kalaeloa, một sân bay nhỏ bên ngoài Honolulu sau gần 118 giờ hành trình từ Nagoya, phá vỡ kỷ lục về chuyến bay hoạt động không ngừng nghỉ dài nhất thế giới.
Kỷ lục trước đó thuộc về nhà thám hiểm Mỹ Steve Fossett với 76 giờ bay bằng máy bay phản lực được thiết kế đặc biệt trong năm 2006.
Nhưng Solar Impulse 2 mà Borschberg thực hiện không sử dụng nhiên liệu. Thay vào đó, đôi cánh của nó được trang bị 17.000 tấm pin năng lượng mặt trời để cung cấp năng lượng cho cánh quạt và sạc pin. Vào ban đêm, máy bay chạy bằng năng lượng lưu trữ pin sạc.
Chuyến bay xuyên Thái Bình Dương của Solar Impulse 2 được xem là chuyến hành trình có độ rủi ro cao nhất trong đoạn đường mà máy bay đi qua vì nó không có nơi nào để đáp xuống trong trường hợp khẩn cấp như trên đất liền.
Chiếc máy bay khi đáp xuống khá yên tĩnh trước sự chứng kiến của khoảng 200 người, bao gồm các phương tiện truyền thông vào lúc 6 giờ sáng, theo giờ địa phương.
Borschberg gọi chuyến bay đó mang lại một trải nghiệm phi thường, và nói rằng nó đánh dấu cột mốc đầu tiên trong lịch sử của ngành hàng không cũng như năng lượng tái tạo. “Không ai có thể nói rằng nguồn năng lượng tái tạo không thể thực hiện những điều không thể”, Borschberg cho biết.
Phần khó khăn nhất trong hành trình nói trên đó chính là ông và đồng nghiệp Bertrand Piccard người Thụy Sĩ quyết định chính xác thời điểm rời khỏi Nhật Bản. Bởi nếu không chọn đúng thời điểm, gặp phải thời tiết xấu thì máy bay có thể gặp tai nạn nghiêm trọng.
Borschberg cho biết, ông đã phải tập yoga 45 phút mỗi ngày để chống lại những ảnh hưởng trong chuyến hành trình do ngồi trong khoang máy bay thời gian dài. Thậm chí, sau khi đáp xuống sân bay ở Hawaii, ông cũng vẫn phải cố ngồi lại trong đó khoảng 1 giờ trước khi bước ra ngoài.
Tốc độ bay lý tưởng nhất của Solar Impulse 2 là 45 km/h, và có thể tăng gấp đôi khi gặp những tia mặt trời mạnh nhất. Máy bay được làm bằng sợi carbon với trọng lượng khoảng hơn 2,2 tấn, tương đương với trọng lượng của một chiếc xe tải cỡ vừa.
Borschberg và Piccard đã thay phiên nhau điều khiển Solar Impulse 2 để bay vòng quanh thế giới kể từ khi nó cất cánh từ thành phố Abu Dhabi vào tháng Ba năm nay. Sau Hawaii, máy bay sẽ tới Phoenix và sau đó là New York, trong đó Piccard sẽ thực hiện chuyến bay đến Phoenix.
Dự án Solar Impulse 2 bắt đầu vào năm 2002, với chi phí ước tính hơn 100 triệu USD như là hành động để làm nổi bật tầm quan trọng của năng lượng tái tạo. Nó khó có thể đưa vào thương mại do thời gian đi lại chậm, phụ thuộc điều kiện thời tiết cũng như trọng lượng hạn chế của máy bay.