Theo đánh giá của chuyên gia tài chính độc lập, TS. Phạm Đỗ Chí, rủi ro tiềm ẩn lớn nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện tại là vấn đề sổ sách thiếu minh bạch...
Họ báo cáo với Ngân hàng Nhà nước một sổ, còn làm cho mình một sổ riêng. Đây là vấn đề báo động trong hệ thống ngân hàng về quản trị rủi ro.
Ông Chí cho rằng, quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng Việt Nam rất yếu kém, lãi suất được trả riêng cho nhóm khách hàng. Không những thế, nhiều ngân hàng còn áp dụng hình thức cho vay ngầm để tránh giới hạn về tín dụng vào tháng 6 và cuối năm 2011. Ngoài ra, đảo nợ khá thông dụng ở một số ngân hàng Việt Nam, khi tiền lãi không trả được của một số khách hàng lớn được thay bằng một “dòng nợ mới” trong sổ sách của cả hai bên. Chính vì vậy mà nợ xấu cũng không báo cáo đúng, vì phải báo cáo theo sổ sách đã công bố với Ngân hàng Nhà nước. Và cũng vì thế, báo cáo về thực trạng nợ xấu của ngành ngân hàng có nhiều con số khác nhau.
Ảnh minh hoạ
Do vướng trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, buộc các ngân hàng phải lách bằng cách đưa ra hai sổ sách. Tái cấu trúc ngân hàng mà không áp đặt một hệ thống kiểm soát rủi ro, vì không biết chính xác nợ xấu bao nhiêu, hạn mức tín dụng bao nhiêu, thì rất khó thực hiện được. Nếu ngân hàng cố tình khai không đúng con số thì không thể kiểm soát rủi ro.
TS. Chí cảnh báo, dưới con mắt các nhà đầu tư, chuyên gia phân tích nước ngoài, hệ thống ngân hàng Việt Nam như một mớ bòng bong vì không đủ dữ kiện và thông tin chính xác. Nguy hiểm hơn nữa là tình trạng các nhà hoạch định hay làm chính sách mà không có dữ kiện. Với tình trạng hai sổ sách trong hệ thống ngân hàng như hiện nay, nợ xấu sẽ không bao giờ dừng.
Khi các NHTM dùng hệ thống 2 sổ sách đã làm cho tính minh bạch trong hệ thống các NHTM giảm đi, làm cho việc quản lý và kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động của các NHTM khó khăn. Trong nền kinh tế, mọi hoạt động cần minh bạch, hoạt động ngân hàng đòi hỏi tính minh bạch phải cao hơn thì mới phát triển bền vững và tránh những nguy cơ đổ vỡ.
Theo ông Chí, giải pháp là chúng ta nên tái lập ngay cơ chế thị trường, thả nổi lãi suất. Khi đó, các ngân hàng không cần phải bằng cách này hay cách khác để né tránh vượt rào lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng dễ dàng kiểm tra “sức khoẻ” từng ngân hàng để có biện pháp đúng đắn, kịp thời.
Trung Nguyễn