Sau khi Báo Công lý và một số cơ quan báo chí khác phản ánh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình (Sở NN&PTNT) vừa có Báo cáo cung cấp thông tin về nguyên nhân lúa chết hàng loạt xảy ra tại xã An Tân, huyện Thái Thụy.
Nguồn nước cho sản xuất không bị nhiễm mặn
Báo cáo số 198/BC-SNNPTNN-TL của Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình gửi Bộ trưởng NN&PTNT; Báo Công lý và các đơn vị liên quan cho cho biết, Sở và các đơn vị chức năng đã trực tiếp kiểm tra thực tế, đánh giá, nhận định tình hình.
Cụ thể, về hoạt động thủy lợi, việc tạo nguồn nước, chuyển, phân phối, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp (vụ xuân, vụ hè, vụ mùa, vụ đông) được tuân thủ chặt chẽ theo các đề án công tác thủy lợi của tỉnh, phương án tưới tiêu của các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi đã được phê duyệt, ban hành và hoạt động cấp nước (hoặc tiêu) mang tính hệ thống, vùng.
Trong cấp nước tưới phục vụ sản xuất vụ Xuân năm 2023, xã An Tân và xã Hồng Dũng huyện Thái Thụy lấy nước cùng đợt với các xã Thụy Ninh, Thụy Hưng, Thụy Việt, Thụy Quỳnh, Thụy Trường (huyện Thái Thụy) theo các nguồn và các ngày cụ thể như sau:
Lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa Xuân năm 2023 từ kênh N2 và kênh Sinh; trong đó, kênh Sinh lấy nước từ kênh Hệ (kênh cấp I nội đồng) qua đập Cầu Cất thuộc địa phận xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, còn Kênh N2 được lấy nước từ sông Hóa qua các cống dưới đê: Cống Bùi, cống Đoài, cống Vân Am (cụ thể: Cống Đoài mở từ ngày 06/01 đến 12/01/2023 và từ ngày 19/01 đến 21/01/2023; cống Bùi mở từ ngày 06/01 đến 13/01/2023 và từ ngày 19/01 đến 21/01/2023; cống Vân Am mở từ ngày 09/01 đến 13/01/2023 và ngày 20/01/2023).
"Trong thời gian lấy nước đổ ải nêu trên, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình đã tổ chức việc lấy nước theo đúng quy trình vận hành (kiểm tra độ mặn theo quy định; đồng thời, phân công cán bộ, công nhân kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc lấy nước vào hệ thống)"- Văn bản của Sở NN&PTNT Thái Bình thông tin.
Cũng theo Sở này, trong công tác lấy nước tưới dưỡng: Nguồn nước tưới được lấy từ cống Bùi Đình và cống Đoài 3 thuộc xã Thụy Ninh vào hệ thống kênh N2 và cấp chủ yếu cho phần lớn diện tích sản xuất của khu vực phía Bắc huyện; Xí nghiệp khai thác Công trình thuỷ lợi huyện Thái Thụy đã kiểm tra, thử mặn và giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình.
Theo Báo cáo, tất cả các quá trình lấy nước nói trên phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vụ Xuân của các xã phía bắc của huyện Thái Thụy đều đảm bảo độ mặn ≤0,6‰ nên không để nước mặn xâm nhập vào nội đồng, đảm bảo chất lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Cũng tương tự như trên, việc lấy nước phục vụ tưới cây vụ Đông năm 2022 theo phản ánh là được lấy từ cống Cao Cổ (nguồn từ sông Hóa vào) vào tháng 10, tháng 11 năm 2022. Cống Cao Cổ cung cấp nước tưới cho các lưu vực của cống này gồm: Diện tích của Hợp tác xã Thụy Tân, xã An Tân, một phần diện tích của Hợp tác xã Thụy Dũng, xã Hồng Dũng và một phần diện tích của xã Thụy Trường (Tuy nhiên hiện nay các loại cây trồng như: lúa, hoa màu ở xã Thụy Trường vẫn sinh trưởng phát triển bình thường).
Cũng theo Sở NN&PTNT Thái Bình, thời điểm này, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh không có cảnh báo xâm nhập mặn từ sông Hóa; tuy nhiên trong thời gian này, công tác lấy nước vẫn tiến hành việc kiểm tra độ mặn và thực tế nước không bị nhiễm mặn (Hiện tượng xâm nhập mặn mùa đông năm 2022 đến muộn hơn mọi năm do nguồn nước thượng lưu tương đối dồi dào).
Từ những phân tích trên, Sở NN&PTNT Thái Bình khẳng định, tình trạng lúa chết, lúa sinh trưởng, phát triển kém, lúa không trỗ bông được hoặc có trỗ nhưng bông nhỏ, tỷ lệ lép cao chỉ xảy ra ở một số thôn của xã An Tân, xã Hồng Hũng huyện Thái Thụy "không phải từ nguyên nhân nguồn nước cho sản xuất bị nhiễm mặn".
Mà nguyên nhân chính khiến một số diện tích lúa của xã An Tân, xã Hồng Dũng sinh trưởng, phát triển kém là do đất của 02 xã này là đất chua mặn, đã được cải tạo tầng đất canh tác trong nhiều năm qua.
“Vụ lúa Xuân năm 2023, do thời tiết từ cuối tháng 2 đến trung tuần tháng 3 có nhiều đợt không khí lạnh (độ ẩm thấp, thời tiết hanh khô, lượng mưa thấp gần như không có mưa đến đầu tháng 5/2023) nên đã gây ra hiện tượng thẩm thấu, bốc chua mặn dẫn đến tái mặn ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của lúa (Thời gian sinh trưởng của lúa Xuân từ gieo cấy đến thu hoạch khoảng 120-130 ngày, giai đoạn đầu bộ rễ cây lúa lấy dinh dưỡng từ tầng mặt; càng về sau, bộ rễ cây lúa càng phát triển và sẽ lấy dinh dưỡng từ tầng sâu); đặc biệt, với một số hộ nông dân, do sử dụng các giống lúa không phù hợp với vùng đất nhiễm mặn nên lúa phát triển kém, lúa không trỗ bông được hoặc có trỗ nhưng bông nhỏ, tỷ lệ lép cao là không tránh khỏi. Hiện tượng này cũng đã từng xuất hiện trong vài năm gần đây ở một số nơi tại hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy nhưng ở mức độ, quy mô nhỏ, cục bộ” – Báo cáo của Sở NN&PTNT cho biết.
Tiếp tục lấy mẫu, phân tích đánh giá chi tiết hơn
Mặc dù khẳng định lúa chết không phải từ nguyên nhân nguồn nước cho sản xuất bị nhiễm mặn, nhưng Báo cáo Sở NN&PTNN cho biết, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình lấy mẫu đất, mẫu nước để đánh giá chất lượng nguồn nước và đất sản xuất nông nghiệp tại xã An Tân và xã Hồng Dũng huyện Thái Thụy và hiện nay, đang phối hợp với các cơ quan có chức năng của Trung ương để thời gian tới tiếp tục lấy mẫu, phân tích đánh giá chi tiết hơn về mức độ tái nhiễm mặn của đất.
Chi cục Thủy lợi đã tham mưu Sở NN&PTNN ban hành Công văn số 1291/SNNPTNT-TL ngày 13/6/2022 về việc rửa mặn cho các vùng thuộc huyện ven biển phục vụ sản xuất vụ Mùa năm 2023 và những năm tiếp theo; trong đó có hướng dẫn cụ thể chế độ rửa mặn theo các thời vụ.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình; Xí nghiệp khai thác Công trình thuỷ lợi huyện Thái Thụy đang xây dựng Phương án thau chua, rửa mặn cụ thể cho xã An Tân và xã Hồng Dũng.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ngày 14/6/2023 đã tổ chức tập huấn cho Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng các ban ngành đoàn thể của xã An Tân về công tác gieo cấy vụ Mùa: thời vụ, các biện pháp lưu ý với diện tích đất chua, mặn, kìm hãm như: biện pháp thau chua rửa mặn, giống, bón phân...
Về những phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân tại xã An Tân, theo Sở NN&PTNT trong những ngày từ đầu tháng 6 đến nay, huyện ủy, UBND huyện Thái Thụy đã tập trung triển khai thực hiện nhiều hoạt động cụ thể để triển khai hỗ trợ cho người dân, tổ chức triển khai sản xuất. Trong đó, UBND huyện đang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh trong nghiên cứu vận dụng các văn bản QPPL để tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ người dân xã An Tân vùng có lúa bị chết, sản lượng thấp để sớm ổn định sản xuất và việc này sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất.