Ngày 24/12, TAND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan. Ông Thái Rết, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh và Luật sư Bạch Sỹ Chất, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có ông Nguyễn Thanh Khoa, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Ban pháp chế HĐND tỉnh, VKSND tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh, các Phó Chánh án, lãnh đạo các Tòa chuyên trách, phòng nghiệp vụ TAND tỉnh, Chánh án TAND cấp huyện và Thẩm phán TAND hai cấp.
Ngày 02/7/2014, TAND tỉnh và Đoàn Luật sư tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp với nhau và có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2014. Qua 10 năm thực hiện Quy chế phối hợp trong hoạt động tố tụng, hai cơ quan, đơn vị đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác xét xử, cũng như hành nghề của các Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo TAND tỉnh đã tổ chức triển khai, phổ biến quy chế đến TAND hai cấp, kịp thời hướng dẫn các đơn vị khi có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra các đơn vị thực hiện quy chế phối hợp trong các đợt kiểm tra chuyên môn hàng năm.
Về phía Đoàn Luật sư tỉnh, Ban chủ nhiệm đã lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức hành nghề luật sư triển khai phối hợp trong hoạt động tố tụng và hành nghề luật sư theo đúng quy định của pháp luật và quy chế phối hợp.
Nhìn chung, TAND hai cấp, Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc các quy định của quy chế, theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; cán bộ, công chức Tòa án, Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư đã có những chuyển biến đáng kể trong nhận thức và hành động.
TAND hai cấp đã tạo điều kiện thuận lợi để Luật sư tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính, hình sự, đa số các Luật sư khi tham gia tố tụng đều chấp hành đúng các quy định của pháp luật, phối hợp tốt với TAND hai cấp.
Từ năm 2020 - 2024, TAND hai cấp đã đưa ra giải quyết 41.435 vụ án các loại, trong đó Luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi là 1.766 vụ việc, chiếm tỷ lệ 4,26%.
Đối với những vụ việc có luật sư tham gia đã góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo tính công bằng, dân chủ, đúng pháp luật theo tinh thần cải cách tư pháp, việc tranh luận của một số Luật sư thật sự có chất lượng, không ít vụ án thông qua việc tranh luận, tranh tụng của các vị Luật sư mà các tình tiết của vụ án được làm sáng tỏ hơn, đầy đủ hơn, giúp nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án, giảm được tỷ lệ án hủy, án sửa trong công tác giải quyết án của Tòa án.
TAND tỉnh và Đoàn Luật sư tỉnh cũng đã phối hợp tốt trong việc tham mưu cho Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Từ năm 2020 đến nay, đã tổ chức 8 phiên tòa.
Sau mỗi phiên tòa, Thẩm phán, các vị Luật sư họp để rút kinh nghiệm những ưu điểm cần phát huy và những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa trong thời gian tới.
Các phiên tòa rút kinh nghiệm đã giúp cho các Luật sư nhận thức được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của của mình, ngày càng có ý thức trách nhiệm cao hơn.
TAND tỉnh còn tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư cùng tham gia học tập để cùng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đã tổ chức 04 đợt tập huấn nghiệp vụ có mời chuyên gia của TANDTC về triển khai, qua đó phần nào giúp cho cán bộ, công chức TAND hai cấp và các Luật sư củng cố thêm kiến thức, tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật mới, nhận thức pháp luật thống nhất để phục vụ công tác chuyên môn, nghề nghiệp của mình.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đánh giá công tác phối hợp giữa Tòa án và Đoàn Luật sư cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: thù lao nghiên cứu hồ sơ, tham dự phiên tòa và các chi phí khác đối với Luật sư tham gia các vụ án chỉ định còn khá thấp, chưa tạo động lực tích cực trong việc tham gia bào chữa hay bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; một số nội dung của quy chế phối hợp không còn phù hợp nữa.
Tinh thần trách nhiệm của một số ít Luật sư chưa cao, nhất là đối với các vụ án được chỉ định, vẫn còn một số chưa chấp hành nghiêm giấy triệu tập của Tòa án, có nhiều trường hợp vắng mặt không có lý do hay đến tham dự phiên tòa muộn so với thời gian Tòa án đã ấn định dẫn đến phiên tòa kéo dài, gây khó khăn cho công tác xét xử của Tòa án.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Khoa đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác phối hợp giữa Tòa án và Đoàn Luật sư trong thời gian qua, việc phối hợp giữa hai cơ quan đã góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
“Hai cơ quan cần phải phối hợp tốt hơn nữa trong thời gian tới, nhất là việc rà soát lại quy chế phối hợp, cái nào chưa tốt, còn vướng, không còn phù hợp hay phát sinh mới thì phải trao đổi, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp”, Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Thái Rết, Chánh án TAND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao công tác phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian qua; những hạn chế, thiếu sót thuộc về TAND hai cấp mà các Luật sư đóng góp, lãnh đạo TAND tỉnh sẽ tiếp tục chấn chỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho luật sư tham gia tố tụng tại Tòa án, nhất là việc tranh tụng tại phiên tòa.
Chất lượng hoạt động của luật sư được nâng lên thì chất lượng xét xử của Tòa án cũng được nâng lên đáng kể, uy tín của Tòa án cũng được nâng lên, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.