Mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành liên quan về việc khắc phục các sai phạm trong lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu lần 1, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục sai phạm khi thực hiện công tác đấu thầu lại (lần 2).
Đình chỉ gói thầu sai phạm
Ngày 17/8/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 9204/UBND-VX về việc đình chỉ đấu thầu đối với gói thấu số 2 mua sắm bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trong nhà cho học sinh 5 tuổi các trường mầm non 2016.
Tại Công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo trực tiếp đối với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thanh Hóa, đó là: Đình chỉ đấu thầu đối với gói thầu số 2 (mua sắm bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trong nhà cho học sinh 5 tuổi các trường mầm non năm 2016) do Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư với lý do vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 123, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, ngày 6/6/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Đồng thời, công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ: Yêu cầu Sở GD&ĐT khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt lại hồ sơ mời thầu (HSMT) của gói thầu số 2 nêu trên, làm cơ sở lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định.
Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đình chỉ đấu thầu đối với gói thầu số 02 do Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư
Trước đó, ngày 28/7/2016, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã phát hành HSMT gói thầu “Mua sắm bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trong nhà cho học sinh 5 tuổi các trường mầm non năm 2016”. Thời hạn cuối nộp hồ sơ dự thầu vào ngày 18/8/2016.
Trong số các nhà thầu mua HSMT, có hai nhà thầu là Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục Hồng Đức và Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Nam Hoa đã nhận thấy có dấu hiệu sai phạm trong cách lập HSMT của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể, tại HSMT, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu phải có ít nhất 6 nhân viên có trình độ đại học ngành mầm non và cơ khí, có tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Nếu nhà thầu không đủ điều kiện này, hồ sơ dự thầu sẽ lập tức bị loại.
Đây là điều rất bất hợp lý và mang tính “đánh đố” nhà thầu, bởi lẽ, một công ty sản xuất thiết bị mầm non hay thương mại thì đâu cần bắt buộc phải có đủ 6 cán bộ đại học ngành mầm non và ngành cơ khí?.
Dấu hiệu sai phạm khi tổ chức đấu thầu lại
Trong việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, Sở GD& ĐT tỉnh Thanh Hóa còn yêu cầu thiết bị là tivi phải có giấy cam kết bảo hành của nhà sản xuất. Theo khoản 7, Điều 12, Nghị định 63/2014/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu: “HSMT chỉ được yêu cầu giấy phép bán hàng, giấy cam kết bảo hành của nhà sản xuất khi hàng hóa có tính chất đặc thù chuyên bịệt, không phải là hàng hóa thông dụng trên thị trường”.
Do vậy, yêu cầu này của chủ đầu tư đã vi phạm nguyên tắc đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu khi lập hồ sơ mời thầu. Bởi lẽ, các sản phẩm tivi, đầu đĩa DVD là hàng hóa phổ thông thì không cần phải lấy giấy cam kết bảo hành của nhà sản xuất.
Vào năm 2012, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã từng yêu cầu các nhà thầu phải chuẩn bị bộ mẫu thiết bị để khi có yêu cầu phải mang đến trình tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 6646/UBND/THKH, ngày 17/9/2012 gửi Sở GD&ĐT Thanh Hóa, yêu cầu hủy kết quả đấu thầu của gói thầu “Thiết bị mầm non năm 2012” vì lý do HSMT không đảm bảo tính cạnh tranh do đã đưa ra yêu cầu nhà thầu phải chuẩn bị và nộp bộ mẫu thiết bị mầm non.
Sau sai phạm kể trên, đáng lẽ Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa phải rút kinh nghiệm cho những lần mời thầu tiếp theo. Thế nhưng, tại lần mời thầu mới này (lần 2, ngày 08/11/2016), Sở này còn thêm vào một số yêu cầu, tiêu chuẩn không thể có được.
Trang 2 và trang 28 HSMT gói thầu số 02 của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa được phát hành lần 1 vào ngày 28/07/2016
Trang 2 và trang 28 HSMT gói thầu số 02 của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa được phát hành lần 1 vào ngày 08/11/2016
Cụ thể, tại trang 28, mục CDNT 5.3, bảng dữ liệu đấu thầu, Chương II trong HSMT lần 2 này có ghi rõ yêu cầu : Đối với tivi chào thầu, nhà thầu phải cung cấp tài liệu sau: Giấy xác nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa của nhà sản xuất phù hợp tiêu chuẩn TCVN 6385-1998. Trên thực tế, yêu cầu về tiêu chuẩn này đã không còn phù hợp và bị hủy bỏ vào ngày 31/12/2009 và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn mới TCVN 6385-2009 để thay thế.
Đối với các thiết bị như: tủ, giá, kệ, bàn, ghế; HSMT yêu cầu nhà thầu cung cấp bản sao chứng thực giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia TCVN 6238-1:2011, TCVN6238-2:2008, TCVN6238-3:2011 về an toàn đồ chơi trẻ em còn hiệu lực của nhà sản xuất. Trong khi đó, quy định tại tiêu chuẩn TCVN 6238-2:2008 về an toàn đồ chơi trẻ em và yêu cầu chống cháy có ghi rõ: tiêu chuẩn này chỉ áp dụng đối với các vật liệu dễ cháy bị cấm trong tất cả các loại đồ chơi.
Tài liệu về việc hủy bỏ tiêu chuẩn TCVN 6385-1998 và tài liệu về việc thay thế tiêu chuẩn TCVN 6385-1998 bằng tiêu chuẩn TCVN 6385-2009 .
Theo đó, những yêu cầu có liên quan đến tính dễ bốc cháy của một số đồ chơi nhất định khi đặt chúng vào một nguồn cháy nhỏ gồm có: Đồ chơi mang trên đầu như: râu, ria, tóc giả v..v.. được làm từ tóc, lông hoặc vật liệu có những đặc điểm tương tự; Mặt nạ đúc và mặt nạ bằng vải; Mũ trùm đầu, mũ kiểu v.v; Các chi tiết rủ xuống của đồ chơi mang trên đầu, loại trừ các loại mũ làm bằng giấy hay được dùng trong lễ hội; Quần áo hóa trang đồ chơi và đồ chơi để trẻ mặc vào khi chơi; Đồ chơi để trẻ chui vào; Đồ chơi nhồi mềm (con thú hoặc búp bê, v.v.) có bề mặt có lông tuyết hoặc bề mặt bằng vải… Vì vậy, tiêu chuẩn này không thể áp dụng đối với các thiết bị tủ, giá, kệ, bàn, ghế như yêu cầu trong hồ sơ mời thầu.
Những thông tin nêu trên cho thấy, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã có dấu hiệu vi phạm Luật Đấu thầu và vi phạm Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 06/06/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.