Sinh viên tích cực tham gia hành động xóa bỏ bạo lực tình dục

Hải Vân| 29/11/2016 14:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bạo lực tình dục hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp trong đó phụ nữ và trẻ em gái vấn là đối tượng dễ bị tấn công.

Những câu chuyện về bạo lực tình dục

Theo thống kê của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, mỗi năm có hơn 1000 trường hợp xâm hại tình dục trẻ em, nghĩa là mỗi ngày có 3 trẻ em bị xâm hại tình dục được báo cáo.  Tuy nhiên việc xác định các hành vi bạo lực lại không hề dễ dàng.

Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, Trung tâm CSAGA cùng các đối tác UN women, UNODC, Đại sứ quán Canada, Câu lạc bộ phụ nữ Hà Nội và 05 trường đại học đồng tổ chức 05 buổi tọa đàm với sinh viên, tập trung chủ đề: Phòng chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái –Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.

Sinh viên tích cực tham gia hành động xóa bỏ bạo lực tình dục

Sinh viên tích cực tham gia các hoạt động xóa bỏ bạo lực. Ảnh minh họa

Các câu chuyện bạo lực tình dục của người trong cuộc thu hút sự quan tâm của các bạn sinh viên. Rất nhiều các vấn đề được đặt ra trong buổi tọa đàm “Làm thế nào nhận diện các hành vi quấy rối tình dục”, “Làm thế nào để các em học sinh cấp 3 biết cách phòng ngừa hành vi quấy rối?”, “Tôi cũng có con gái, làm thế nào để tôi giúp con phòng tránh bạo lực hẹn hò”…

Một bạn sinh viên chia sẻ: “Hồi cấp hai là khoảng thời gian tồi tệ nhất của tớ. Tớ đã bị sàm sỡ. Tớ nhớ nhất là một hôm, tụi nó ném đồ xuống đất, tớ phải cúi xuống nhặt, tụi nó tụt quần tớ xuống trước mặt mọi người. Lúc cuối giờ, tớ chạy ra hành lang sau lớp để lấy đồ, thì tụi nó đi theo… Tớ còn đang không hiểu chuyện gì thì nó bóp ngực tớ. Không phải bóp một cái mà bóp một hồi lâu. Vừa bóp vừa cười nhạo. Khi đó tớ khóc nhiều lắm. Tớ kể cho mẹ tớ (trừ chuyện bị sàm sỡ) rồi mẹ tớ nói cho cô chủ nhiệm. Rồi cô chủ nhiệm tớ nói: bọn đấy trong lớp ngoan lắm, con chị phải làm gì thì tụi nó mới trêu chứ. Mẹ tớ thì bảo kệ tụi nó đi. Tớ mất lòng tin vào người lớn luôn. Tớ đã nhiều lần nghĩ về việc tử tự…”

Hay một câu chuyện khác được chia sẻ tại buổi tọa đàm: “Vào một hôm tan trường muộn, mình đi bắt xe buýt về nhà. Lúc về phải qua đường nên như thường lệ mình đi lên phía cầu vượt dành cho người đi bộ. Mình đi rất bình thường cho đến khi cảm giác bị ôm từ đằng sau và mình bị đối tượng sờ ngực. Mình giãy được ra và đánh, đá vào người nó cho đến khi đến chỗ cầu thang xuống. Lúc đấy, mình đã nghĩ đến việc đạp nó ngã xuống cầu thang cho hả cơn phẫn uất, nhưng kịp trấn tĩnh và dừng lại. Ra đến bến xe, mình nhắn tin cho mẹ, lẫn lộn cảm xúc: tức giận, nhục nhã, phẫn uất. Mình cảm thấy yếu đuối, và khi về đến nhà, mình đã khóc, khóc nức nở, trong những lời an ủi mà không giúp ích được gì của bố mẹ và em mình".

Bà Astrid Bant – Trưởng đại diện UNPFA tại Việt Nam cho biết: "Bạo lực tình dục không dễ xác định, đặc biệt bạo lực tình dục trong các mối quan hệ tình cảm gần gũi thậm chí còn khó được báo cáo hơn vì nó được che giấu bởi các khuôn mẫu giới và văn hóa".

Bạo lực tình dục bao gồm hiếp dâm và các hình thức bạo hành tình dục khác trong và ngoài hôn nhân, gây ra bởi thành viên gia đình, bởi bạn tình dị tính và đồng tính, người quen hay khách hàng của những phụ nữ trong khu vực lao động giải trí. Cưỡng ép bán dâm và cưỡng ép kết hôn, xâm hại tình dục trẻ em, quấy rối tình dục ở trường, nơi làm việc hay các địa điểm công cộng, là những hình thức bạo lực tình dục đã được ghi nhận trong xã hội Việt Nam.

Phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của các vụ tấn công tình dục

Từ năm 2011 – 2016 có 322 vụ bạo lực tình dục được đưa tin trên báo; 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, trong đó có cả những em bé chỉ mới 2 tuổi; 60% nạn nhân từ 11-25 tuổi; Gần 50% nạn nhân trên 40 tuổi, trong đó có những cụ bà đã 85 – 86 tuổi;  32% là các vụ bạo lực kép; nạn nhân bị cưỡng hiếp, cướp tài sản, bị hành hung, thậm chí bị giết; 13,5% là các vụ cưỡng hiếp tập thể; có 87% nạn nhân trong số 2.000 người được khảo sát tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bị quấy rối tình dục ở khu vực công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Đây là những con số “biết nói”, qua đó có thể thấy rằng bạo lực tình dục đang có xu hướng gia tăng và càng ngày càng khó nhận biết.

TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội cho rằng, bạo lực tình dục hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp. 73% thủ phạm là người quen. Bạo lực tình dục là một tội ác nghiêm trọng chống lại phụ nữ và trẻ em. Nó chà đạp quyền cơ bản nhất của con người là được sống an toàn và được tôn trọng nhân phẩm. Bạo lực tình dục có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ và trẻ em nào chứ không chỉ với những phụ nữ trẻ, ăn mặc gợi cảm hoặc có cử chỉ hớ hênh như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Hơn nữa, các con số thống kê cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục trở thành nạn nhân của các vụ tấn công tình dục. Bạo lực tình dục và hậu quả của nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của phụ nữ. Nạn nhân bị hiếp dâm sẽ gặp những rối loạn tâm lý sau chấn thương, hoặc những khó khăn về tâm lý khác như trầm cảm, lạm dụng thuốc, hay có ý nghĩ tự tử.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia Công ước CEDAW (7/1980). Sau gần 40 năm, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể về việc cam kết thực hiện công ước CEDAW. Tuy nhiên, công ước CEDAW cũng còn khá mới mẻ với nhiều nhóm xã hội, trong đó có giới trẻ - những người đi tiên phong trong việc vận động thay đổi xã hội. Hơn nữa, các con số thống kê cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục trở thành nạn nhân của các vụ tấn công tình dục.

Chính vì vậy “Việc trang bị kỹ năng sống cho các bạn trẻ là một quá trình lâu dài. Khi được giáo dục trên một nền tảng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau sẽ giúp các bạn phòng ngừa các hành vi bạo lực tình dục một cách chủ động, linh hoạt” - bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm CSAGA nói. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên tích cực tham gia hành động xóa bỏ bạo lực tình dục