Chỉ cọ̀n vài tháng nữa thôi là Hải và Đông trở thành cử nhân đại học, có thể tự tin kiếm sống bằng cái nghề kỹ sư giao thông của mình nếu như không có chuyện nghe bạn về quê buôn thuốc nổ.
Cho đến khi tra tay vào còng số 8, Bùi Thanh Hải, SN 1984, trú tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, nguyên sinh viên Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải Hà Nội mới giật mình thảng thốt như bừng tỉnh sau giấc mơ kiếm tiền. Cuộc sống quá nghèo khó đã khiến Hải quên mất rằng đồng tiền kiếm được bao giờ cũng có hai mặt tốt - xấu và chính sự nông nổi vì tiền mà Hải đã tự tay đóng cửa tương lai của chính cuộc đời mình, gieo bao phiền muộn cho bố mẹ.
Hải sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Cái nghèo đeo đẳng Hải từ ngày còn học trường làng tới khi bước chân vào giảng đường đại học, theo cậu cả vào những bữa ăn, giấc ngủ của những năm tháng cuối của đời sinh viên. Nhà Hải nghèo nhưng được cái cậu lại rất chăm chỉ học và sự quyết tâm có bằng đại học để đổi đời của cậu con trai duy nhất được cả nhà hưởng ứng. Thế nên dù kiếm tiền triệu ở quê không dễ song bố mẹ Hải vẫn cố gắng xoay sở, gom góp tiền hàng tháng gửi lên cho con trai ăn học. Mỗi tháng được bố mẹ gửi cho gần 2 triệu đồng, Hải chỉ đủ chi trả vào các khoản tiền phòng trọ, tiền sách vở và tiền ăn uống chứ những chi phí khác đều phải hạn chế. Thiếu thốn khiến người ta phải tùng tiệm. Hải rất ít về quê mà thường thì bố mẹ gửi tiền, gửi gạo ra Hà Nội cho con trai theo xe khách, vừa rẻ vừa đỡ phải mất tiền chi phí đi lại.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm
Kỳ nghỉ hè năm 2011, Hải về quê, gặp Nguyễn Văn Chính, bạn cùng học phổ thông, đã đi làm ở Quảng Ninh về chơi. Biết Hải đang là sinh viên, tiền tiêu hạn hẹp, Chính bảo ở Quảng Ninh có nhiều người khai thác than có nhu cầu mua vật liệu nổ, nếu Hải tìm được nguồn, tranh thủ thời gian nghỉ hè mang ra Quảng Ninh, Chính sẽ bán giúp. Đang lúc chưa biết làm gì với những ngày nghỉ hè để có tiền trang trải cho năm học cuối, nghe bạn nói thế, Hải khấp khởi mừng thầm.
Qua tìm hiểu, Hải đến xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống mua của một người không quen biết 30kg thuốc nổ, 30 kíp nổ với giá 3,15 triệu đồng sau đó cho vào bao dứa rồi lên xe khách đem ra nhà trọ ở Hà Nội. Thấy người bạn cùng phòng trọ là Phạm Văn Đông, quê ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định ở lại đi dạy thêm, Hải rủ Đông cùng đi Quảng Ninh chơi. Số thuốc nổ trên được Hải cho vào thùng các-tông, còn kíp cho vào ba lô.
Đến bến xe buýt huyện Vân Đồn, Hải điện cho Hoàng Quốc Việt, SN 1975 là người cùng quê, ra đón. Nhận được điện, Việt bảo Vũ Quang Hiếu, SN 1978, là người làm thuê cho Việt, cũng quê ở Thanh Hóa ra bến xe đón Hải về khu lán trại của Việt. Tối hôm sau, Hải gọi điện cho Chính nhưng người bạn này đã từ chối giúp Hải bán thuốc nổ với lý do không có mặt ở Quảng Ninh. Chẳng biết làm sao với gói hàng đang cầm, Hải đành nhờ Việt tìm xem có ai mua thì bán hộ và vì thương người đồng hương bị bạn học “đem con bỏ chợ”, Việt và Hiếu đã tìm được người mua số thuốc, kíp nổ của Hải với giá 75.000 đồng/thỏi thuốc nổ và kíp, tổng cộng là 4,9 triệu đồng. Tính ra số hàng mà Hải mua với giá 1,5 triệu đồng, trừ chi phí đi lại, còn lãi được 3 triệu đồng.
Thấy việc buôn thuốc nổ có lãi nên khoảng một tuần sau, Hải lại về xã Hoàng Sơn mua 50kg thuốc nổ, 50 kíp nổ với giá 5,8 triệu đồng rồi gửi xe khách ra Hà Nội cho Đông nhận mang về phòng trọ. Ba ngày sau, số hàng trên được Hải mang ra Hạ Long. Tuy nhiên, chuyến hàng này đã không được bán trót lọt thì Hải và Đông bị bắt khi đang đứng chờ giao “hàng” trước cổng Bệnh viện Lao và phổi, phường Cao Xanh, Tp. Hạ Long. Hôm sau, Hiếu và Việt cũng lần lượt sa lưới.
Những ngày ngồi trong trại giam chờ bị đưa ra xét xử, Hải suy nghĩ rất nhiều. Hải không chỉ ân hận vì việc làm của mình đã cướp đi niềm hy vọng của gia đình sau bao năm khó nhọc kiếm tiền cho con cái ăn học, giờ đây đổ xuống sông xuống bể mà cậu cảm thấy day dứt bởi vì sự rủ rê của mình đã đẩy người bạn cùng phòng trọ vào cảnh lao lý. Cũng vì muốn kiếm tiền, muốn chuẩn bị cho năm học cuối cùng có nhiều tốn kém, chi phí phát sinh mà Hải đã không cân nhắc kỹ lưỡng khi nghe lời xúi bẩy đi buôn thuốc nổ của bạn để rồi không chỉ đánh mất tương lai của bản thân mà còn làm những người bạn, người đồng hương của mình bị liên lụy.
Ngày bị đưa ra trước vành móng ngựa rồi cũng tới. Hải không thể quên được hình ảnh bố mẹ già, nét mặt gần như suy sụp khi nhìn thấy con trai đứng sau vành móng ngựa. Hải bảo với cậu mọi sai lầm đều phải trả giá và tất nhiên đều phải tìm cách làm lại nhưng với cha mẹ thì cậu đã là một đứa con bất hiếu. Không chỉ cướp đi niềm hy vọng, bao công sức nhọc nhằn sớm hôm của cha mẹ mà Hải còn đem lại cho người thân của mình bao tai tiếng xấu xa chỉ vì một chút nông nổi. Tương lai đang hứa hẹn, giờ bỗng khép lại... Với Hải, Đông hay hai người bạn kia thì tuổi trẻ vẫn là cơ hội để họ làm lại cuộc đời, đứng dậy sau lần vấp ngã này song với người thân của họ thì đây quả là một cú sốc lớn. Hải đã bật khóc trước Tòa khi được phép nói lời cuối cùng trước khi Hội đồng xét xử vào giờ nghị án. Cậu xin lỗi các bạn của mình, xin lỗi cha mẹ, người thân và khẩn khoản xin cha mẹ hãy giữ gìn sức khỏe để cậu còn có cơ hội trở về phụng dưỡng.
6 năm tù là cái giá Hải phải trả vì tội mua bán vật liệu nổ còn Đông tuy không được hưởng lợi nhưng lại nhiệt tình tham gia nên bị tuyên phạt 4 năm tù, hai người Hiếu và Việt vì nể bạn bè, tìm mối bán thuốc nổ, mỗi người bị tuyên phạt 1 năm tù giam. Với tuổi đời còn rất trẻ của 4 thanh niên này thì mức án trên chỉ là một bước thử thách nghị lực đối với họ nhưng nó cũng là bài học đắt giá cho những ai muốn làm giàu nhanh chóng bằng mọi cách. Nhiều người thầm tiếc cho Hải, một cậu sinh viên nghèo vượt khó, vì một toan tính sai lầm đã “ngã ngựa” trước khi chuẩn bị về tới đích.
Nguyễn Lam