Khẩu trang không nằm trong danh sách hàng bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá, tuy nhiên đối với hành động cố tình không bán, găm hàng, đầu cơ trục lợi cũng có thể bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Nhằm đánh giá tình hình triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viên đường hô hấp cấp do củng mới của virus corona gây ra, chiều 4/2, Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia do Chánh Văn phòng Đàm Thanh Thế làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội để kiểm tra công tác phòng, chống virus corona.
Tại buổi làm việc, đại diện Cục quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, ngày 3/2, đơn vị đã thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các quầy thuốc, cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn TP, tiến hành 3 vụ, trong đó có 2 vụ việc phối hợp với các phòng nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội (PC03, PC05) và Công an các quận, huyện kiểm tra, xử lý.
Lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản để xử lý 3 cơ sở kinh doanh không thực hiện, thực hiện không đúng quy định việc niêm yết giá hàng hóa đối với mặt hàng khẩu trang y tế.
Biển "không bán khẩu trang" như trong hình đã được gỡ bỏ
Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có trên 6.000 nhà thuốc, quầy thuốc; trên 20 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế. Từ đầu tháng 1 năm 2020, TP Hà Nội đã thành lập 65 đội xung kích cơ động, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh; chỉ đạo phun thuốc khử trùng phòng bệnh cho tất cả các trường học trên địa bàn.
Khẳng định tại cuộc họp, đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Hà Nội cho biết, về cơ bản 100% các chủ hiệu thuốc, quầy thuốc cam kết không găm hàng, không nâng giá bán mặt hàng khẩu trang y tế. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng, một số cá nhân có biểu hiện tăng giá, găm hàng, nhưng cơ quan chức năng chỉ xử lý về mặt hành chính, rất khó khăn để xử lý tội hình sự theo điều 196 Bộ luật hình sự về tội đầu cơ, bởi khẩu trang y tế không phải làm mặt hàng bình ổn giá.
Sau khi nghe đại diện các lực lượng thành viên Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội báo cáo, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế nhấn mạnh, với trách nhiệm được giao, lực lượng chức năng phải thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và phòng ngừa đấu tranh chống hàng giả, hành vi phạm SHTT, hàng kém chất lượng để phục vụ công tác phòng, chống dịch do virus corona gây ra.
Tại buổi làm việc, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế đề nghị Hải quan Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa XNK, nhất là mặt hàng thiết bị y tế. Trong đó, tập trung kiểm soát chất lượng hàng hóa ngay tại cửa khẩu (hàng không, bưu điện, đường sắt). Cùng với đó cần cần tổ chức ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Dự báo tình hình sát với thực tế không để các đối tượng lợi dụng làm giả nước sát trùng, khẩu trang.
Cũng trong chiều 4/2, đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với Tổng cục QLTT đã trực tiếp khảo sát tình hình chung khu vực kinh doanh ở chợ thuốc Hapulico.
Theo ghi nhận thực tế tại các cửa hàng tại chợ thuốc Hapulico, tình hình ở đây đã trở lại bình thường, không còn chen lấn như những ngày vừa qua. Tất cả các quầy thuốc của toà nhà đồng loạt gỡ biển với nội dung "không bán khẩu trang, nước rửa tay, xin miễn hỏi" treo những ngày trước đó. Tuy nhiên khi khách hàng hỏi mua khẩu trang thì những quầy thuốc ở đây vẫn báo hết hàng.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, khẩu trang không nằm trong danh sách hàng bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá. Tuy nhiên đối với hành động cố tình không bán, găm hàng, đầu cơ trục lợi cũng có thể bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Lực lượng QLTT sẽ đẩy mạnh kiểm tra những trường hợp cố tình như vậy.