Sẽ có những quy định chặt chẽ liên quan đến Bitcoin, “tiền ảo” để chống tham nhũng, rửa tiền

Bình Nguyên| 04/08/2022 13:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bitcoin, “tiền ảo” là vấn đề mà dư luận quan tâm thời gian qua. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 3/8, các phóng viên đã đề cập đến vấn đề này với đại diện Bộ Tài chính và NHNN Việt Nam.

296945216_572485051081788_5593426769013529927_n.jpg

Sẽ có quy định ngăn chặn “rửa tiền”

Theo đó, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền đang trong quá trình xây dựng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có bổ sung các quy định để ngăn chặn hành vi rửa tiền thông qua Bitcoin, “tiền ảo” hay không?

Về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang tiến hành sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền và trên cơ sở khuyến nghị của các tổ chức phòng chống rửa tiền thế giới. Các quốc gia đều phải quan tâm đến những tài sản, sản phẩm gọi là công nghệ trong lĩnh vực tài chính để đảm bảo quản lý phải chặt chẽ, không để lợi dụng trong vấn đề rửa tiền hoặc phòng chống khủng bố cũng như các mục đích khác.

Vừa qua, NHNN đã nghiên cứu, dự thảo quy định điều khoản mang tính chất khung sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền và trên cơ sở quy định khung này sẽ quy định cụ thể những sản phẩm tài chính hiện nay cũng như sử dụng công nghệ, Bitcoin, tiền ảo. Kể cả những xu hướng thế giới hoặc xu hướng phát triển công nghệ có thể xảy ra các sản phẩm khác nữa thì cũng sẽ được xử lý một cách linh hoạt.

NHNN hiện đang nghiên cứu rất kỹ, rất toàn diện để chuẩn bị cho việc hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới, ông Tú cho hay. Sau khi Luật này được ban hành, Chính phủ sẽ có những văn bản dưới luật như nghị định để đảm bảo ngăn chặn, phòng, chống rửa tiền, khủng bố, gian lận trốn thuế hoặc thậm chí sử dụng tài sản để biếu tặng có tính chất tham nhũng, hối lộ, ông Tú cho hay.

Cũng theo ông Tú, Bitcoin và các loại giống như “tiền ảo” khác, không phải tiền pháp quy, không phải tiền điện tử và càng không phải tiền thanh toán hợp pháp trên đất nước Việt Nam.

Do vậy, để nhận diện những hệ lụy, những rủi với tổ chức, cá nhân tham gia chơi, kinh doanh “tiền ảo”, từ tháng 2/2014, NHNN đã có thông báo rất rộng rãi trên cơ sở nghiên cứu các quy định của các nước để xác định “tiền ảo”, Bitcoin là thế nào, và thông báo rộng rãi cho mọi đối tượng quan tâm đến lĩnh vực này biết.

img8278-165953322990187200531.jpg
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam ông Đào Minh Tú.

NHNN cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị chỉ đạo các ngân hàng thực hiện các giao dịch đảm bảo không xảy ra những rủi ro, lợi dụng “tiền ảo” tương tự trong các hoạt động giao dịch. Theo đó, chỉ thị trên đã đặt ra một cách cụ thể là các tổ chức tín dụng hay tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch, nhiệm vụ liên quan đến “tiền ảo” cho khách hàng.

“NHNN cũng yêu cầu tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch, hoạt động đáng ngờ có liên quan đến “tiền ảo” cũng như rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch, mua bán, trao đổi tiền ảo để có biện pháp xử lý, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền và quản lý ngoại hối”, ông Tú cho hay.

Giá xăng giảm mà cước vận tải vẫn chưa giảm

Liên quan đến các ý kiến về việc giá xăng dầu gần đây giảm mà giá cước vận tải không giảm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang cho biết, thời gian qua, khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải tăng, nhưng thường giá xăng dầu giảm thì có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Thời gian đầu giá xăng dầu giảm chưa nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm giá.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, một trong những yếu tố cấu thành lên giá cước vận tải là giá nhiên liệu. Do đó, việc giá nhiên liệu tăng làm giá cước vận tải tăng để bù đắp chi phí là dễ hiểu.

Thời gian qua, giá nhiên liệu tăng thì giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông đã tăng. Ví dụ như: Về đường bộ, theo đánh giá có 80-90% doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai việc điều chỉnh tăng 10 đến 15%, với vận tải hàng hoá tăng 7-10% nhằm bù đắp cho chi phí về xăng dầu. Vận tải hành khách công cộng ở đô thị có trợ giá nên không tăng.

img8267-16595284677561526556049.jpg
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang.

Với đường sắt, mặc dù tỉ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chiếm đến 21 đến 29%. Nhưng trong thời gian qua, do vận tải hành khách của đường sắt đang trong chương trình cạnh tranh về hành khách nên không tăng, chỉ có giá vận tải hàng hoá bằng đường sắt tăng 3-5%.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, riêng ngành hàng hải trước đây giá cước tăng cao nhưng hiện giảm 20-25% so với thời điểm giá cao nhất. Mặc dù thời gian qua, giá xăng dầu tăng và mặc dù hàng hải cũng là ngành vận tải có tỉ lệ giá cấu thành từ xăng dầu rất lớn nhưng các hãng tàu không tăng giá.

Trước tình hình giá xăng dầu giảm, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai rà soát để kê khai giảm giá.

Ngày 31/7, Thủ tướng cũng có Công điện 697 về tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Ngay sau đó, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan khẩn trương thực hiện các chỉ đạo mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong Công điện, yêu cầu các Cục, Tổng cục phối hợp chặt với các Sở GTVT địa phương để làm việc với các đơn vị. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các Sở GTVT để triển khai các quy định về kê khai, niêm yết và thực hiện theo Công điện của Thủ tướng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cũng thông tin thêm, sẽ có phương án báo cáo điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng với xăng dầu.

Từ đầu năm 2022 đến nay, trước tác động dịch bệnh và khó khăn của doanh nghiệp; Bộ đã báo cáo các cấp có thẩm quyền để điều chỉnh thuế, phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như thuế nhiên liệu bay đối với doanh nghiệp hàng không từ 2021.

Đối với thuế xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, trước giá xăng dầu thế giới tăng cao tác động đến giá xăng dầu trong nước; Bộ đã báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Ngày 6/7, UBTVQH đã có Nghị quyết số 20 về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm xuống mức sàn trong khung theo quy định của Luật thuế bảo vệ môi trường. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 11/7 và Bộ Tài chính đã có công văn chỉ đạo các Cục thuế, Hải quan đảm bảo thực hiện thống nhất, thực hiện đúng theo Nghị quyết của UBTVQH.

Đối với thuế nhập khẩu, ông Võ Thành Hưng cho biết, dầu là 0% các thị trường, với mặt hàng xăng là 8% nếu nhập từ khối ASEAN, là 20% với thị trường ngoài ASEAN. Để tháo gỡ khó khăn, đa dạng nguồn cung thì Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ giảm thuế từ 20% về 10%.

Với thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, thực hiện công điện 679 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để rà soát, có phương án báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng với mặt hàng xăng dầu.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ có những quy định chặt chẽ liên quan đến Bitcoin, “tiền ảo” để chống tham nhũng, rửa tiền