Trong ngày làm việc thứ 26 của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, ngày 21/11, Quốc hội bước vào ngày chất vấn cuối cùng của kỳ họp với phần chất vấn Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông (TT-TT), Chánh án TANDTC và Thủ tướng Chính phủ.
Trong buổi sáng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các ĐB QH. Có 8 ĐB tiếp tục dành chất vấn đối với Bộ trưởng về quản lý trò chơi trực tuyến, quản lý nhà nước về TT&TT ở cấp huyện bị buông lỏng, phát sinh tụ điểm kinh doanh mạng trái phép; quản lý nội dung quảng cáo sai sự thật… Quản lý sim rác và xu hướng báo “lá cải” là hai vấn đề được Bộ trưởng tiếp tục trả lời các ĐB từ chiều 20/11. “Hiện tượng mà ĐB nêu về sim rác, tin nhắn rác, quảng cáo rác và tin độc hại là hoàn toàn đúng. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng mà Bộ thấy cần phải xử lý. Bộ đã ra Thông tư số 22 năm 2009 và Thông tư đã đi vào cuộc sống nhưng kém hiệu quả. Do đó, năm 2012, Bộ tiếp tục ra Thông tư số 04 chấn chỉnh sim rác. Sau 9 tháng Thông tư có hiệu lực, số liệu thống kê cho thấy từ tháng 12/2012, cả nước có 131 triệu thuê bao. Sau một năm, số thuê bao còn lại là 117 triệu thuê bao, giảm 14 triệu thuê bao. Tuy nhiên, tình trạng sim rác vẫn còn trên thị trường do một số nhà mạng, các đại lý không nghiêm chỉnh thực hiện theo Thông tư 04”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Giải pháp đưa ra để quản lý sim rác, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son là tiếp tục thanh tra, kiểm tra, đánh giá lại kết quả thực hiện các thông tư, bổ sung các chế tài cần thiết để quản lý sim rác tốt nhất. Bộ cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương cùng vào cuộc quản lý đại lý đang bán sim, nhà mạng đang hoạt động trên địa phương mình.
Về xu hướng báo “lá cải”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thừa nhận thực tế một số tờ báo có lúc có nơi, có thời kỳ không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, dẫn đến hiện tượng vi phạm. “Đây là biểu hiện của khuynh hướng báo lá cải, chứ không phải có báo lá cải. Tuy nhiên, hiện tượng này cần phải chấm dứt, đưa ra khỏi đời sống báo chí”, ông Nguyễn Bắc Son khẳng định.
Trả lời câu hỏi của 3 đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Huỳnh Thành (Gia Lai) và Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) liên quan đến quản lý game online, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nêu các tác hại của game dẫn đến nhiều bi kịch trong xã hội. Theo đó, game online vào Việt Nam từ năm 2005. Năm 2006, Bộ Bưu chính Viễn thông kết hợp với Bộ Công an và Bộ Văn hóa Thông tin đã kịp thời ban hành thông tư liên tịch từng bước quản lý game online. Hiện nay, trên thị trường chỉ có 82 loại game được cấp phép chính thức, tuy nhiên, còn hàng trăm game trái phép, được tải từ mạng nước ngoài. Để quản lý game online, Bộ sẽ tiếp tục tuyên truyền thực hiện tốt Nghị định số 72, trong đó có những chế tài quản lý game; tiếp tục xây dựng chính sách khuyến khích các nhà sản xuất game trong nước để game nội “át” game ngoại, phục vụ cho nhu cầu chính đáng của người dân; tăng cường phối hợp của các bộ ngành siết chặt quản lý; nâng cao vai trò quản lý của các địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được tác hại của game.
“Quản lý game online, tin nhắn rác, thông tin rác, sim rác… đã, đang và sẽ là nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng của Bộ. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác đã làm tương đối tốt, từng bước đẩy lùi những hiện tượng này. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan gây thách thức lớn. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng bổ sung, phủ kín hành lang pháp lý bảo vệ tốt an toàn, an ninh thông tin mạng; tiếp tục tuyên truyền cho người dân tự đề kháng trước khi va chạm với thông tin sai trái, độc hại trên mạng; quản lý, nâng cao nghiệp vụ, đạo đức, tư tưởng của lực lượng báo chí chính thống nước nhà với hơn 17.000 nhà báo để không đưa tin sai sự thật và đấu tranh với thông tin độc hại, sai trái…", Bộ trưởng TT&TT trả lời cuối phiên chất vấn.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói thêm về ba Luật: Báo chí (sửa đổi), Luật An toàn thông tin số và Luật Tiếp cận thông tin. Phần thời gian còn lại trong sáng 21/11 và đầu giờ chiều, các ĐB tiếp tục phiên chất vấn với việc Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trả lời về vấn đề xét xử, nâng cao chất lượng công tác ngành Tòa án, nâng cao chất lượng xét xử, tránh để oan sai, bỏ lọt tội phạm, áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cũng tham gia giải trình thêm các vấn đề có liên quan. Cuối buổi chiều, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu QH tập trung vào lĩnh vực kinh tế.
Tống Toàn