Sẽ có 31 triệu người thuộc diện được hưởng trợ giúp pháp lý

Mai Thoa| 01/06/2017 14:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mở rộng đối tượng, các quy định về hình thức trợ giúp pháp lý (TGPL), xã hội hóa hoạt động TGPL trong Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) lần này… là những vấn đề được nhiều ĐB thảo luận trong phiên họp QH sáng nay 1/6.

Xã hội hóa hoạt động TGPL để giảm chi ngân sách

Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc  Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội các đại biểu đã tiến hành thảo luận.

Đa số ý kiến tán thành với quy định về đối tượng được TGPL trong dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị quy định thống nhất diện đối tượng đang được hưởng TGPL như quy định của pháp luật hiện hành và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một số ý kiến đề nghị mở rộng diện người được hưởng TGPL đối với một số đối tượng cụ thể như: hạ sĩ quan, binh sĩ làm nghĩa vụ quân sự bị buộc tội; phụ nữ đang mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người bị hạn chế về tinh thần, người bị bệnh hiểm nghèo, người bị tai nạn, sự cố bất ngờ, thiên tai, địch họa, công nhân, người lao động là nạn nhân bị lừa đảo hoặc bị cưỡng bức lao động…

Sẽ có 31 triệu người thuộc diện được hưởng trợ giúp pháp lý

Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo giải trình tiếp thu dự án Luật TGPL trước Quốc hội.

Về xã hội hóa hoạt động TGPL, nhiều ý kiến đồng tình và đề nghị cần tiếp tục đa dạng hóa, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động TGPL và quy định rõ cơ chế Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tham gia thực hiện TGPL. 

Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, xã hội hóa hoạt động TGPL là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta nhằm thu hút sự tham gia của xã hội vào hoạt động TGPL, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của người được TGPL, đồng thời giảm gánh nặng đối với Nhà nước. Việc thu hút các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động TGPL là cần thiết, nhưng TGPL đòi hỏi phải bảo đảm chất lượng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Do đó, yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TGPL phải bảo đảm một số tiêu chí nhất định.

Với tinh thần đó dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cộng tác viên TGPL (Điều 25) để huy động những người có kiến thức thực tiễn, đã có kinh nghiệm pháp luật và có điều kiện tham gia hoạt động TGPL ở những vùng khó khăn, không có đội ngũ làm TGPL chuyên nghiệp. Đó là: Trợ giúp viên pháp lý, luật sư, tư vấn viên pháp luật ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không bảo đảm đáp ứng yêu cầu TGPL của người dân, Trung tâm TGPL có thể ký hợp đồng thực hiện TGPL với những người đã nghỉ hưu, bao gồm: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thẩm tra viên ngành Tòa án, Kiểm tra viên ngành kiểm sát, Chấp hành viên, thẩm tra viên ngành thi hành án dân sự, chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan nhà nước, trợ giúp viên pháp lý để thực hiện tư vấn pháp luật tại địa phương.

31 triệu người thuộc diện được hưởng TGPL

ĐB Nguyễn Mai Hoa (Đồng Tháp) đồng ý quan điểm xã hội hóa TGPL để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, ĐB cho rằng quy định như dự thảo Luật vẫn chưa thể hiện rõ điều này; có nhiều quy định khó thu hút được tổ chức cá nhân tham gia hoạt động TGPL. Nếu không quy định rõ chính sách thì xã hội hóa sẽ khó thành hiện thực trong đời sống, ĐB Thủy nhấn mạnh.

Cũng theo ĐB, nguồn tài chính cho công tác này ở địa phương rất hạn hẹp, nhất là vùng sâu, vùng xa, ngân sách địa phương không thể hỗ trợ được nhiều. Vì vậy nên có quy định đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho cho TGPL cho những đối tượng trong vụ án phức tạp là trẻ vị thành niên, nhất là đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi.

ĐB Hoàng Thị Thu Trang: Đối tượng có nhu cầu được TGPL rất lớn, tuy nhiên với nhà nước đang phát  triển  như chúng ta hiện nay là khó có thể đáp ứng được 100% , nên cần có những giới hạn về đối tượng được hưởng. Hiện nay chúng ta có 3 loại hình cung cấp dịch vụ TGPL, một số tổ chức hoạt động không thuộc Nhà nước chất lượng cũng  rất tốt, thì những đối tượng  không được hưởng TGPL của Nhà nước có thể tiếp cận loại hình này.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (tỉnh Thanh Hoá) băn khoăn khi dự thảo Luật sửa đổi lần này yêu cầu người được TGPL phải “trưng” đầy đủ các giấy tờ liên quan để được TGPL. Tuy nhiên, với người là nạn nhân của mua bán người, người bị bạo lực gia đình, trẻ em thì không phải lúc “chạy” ra khỏi nhà cũng mang theo các giấy tờ để được TGPL. Đây là những đối tượng cần được TGPL khẩn cấp thì chúng ta cũng không cần đòi hỏi các giấy tờ, thủ tục khắt khe trên.

Sẽ có 31 triệu người thuộc diện được hưởng trợ giúp pháp lý

ĐB Ngô Sách Thực phát biểu thảo luận

Đại biểu Ngô Sách Thực (tỉnh Bắc Giang) cho rằng, trẻ em và người khuyết tật là đối tượng đương nhiên được hưởng TGPL miễn phí, nhưng dự thảo Luật lại quy định thêm là “có hoàn cảnh khó khăn” mới được TGPL là mâu thuẫn, cần được sửa đổi.

Còn ĐB Hồ Thị Kim Ngân (tỉnh Bắc Kạn) thì đề nghị, cần quy định đối tượng hộ nghèo và cận nghèo không cần bị buộc tội mới được TGPL, mà trong bất kỳ trường hợp nào có vướng mắc về pháp lý thì đều được TGPL.

Giải trình thêm về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, sẽ cùng cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐB. Luật đã khẳng định đúng bản chất TGPL của nhà nước, bảo đảm tính khả thi phù hợp với điều kiện hiện có của chúng ta.

Đồng thời, dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng được TGPL, nâng cao chất lượng, cải tiến đáng kể các thủ tục để được TGPL,  giải quyết ngay cả khi chưa đủ hồ sơ, việc người thụ hưởng chứng minh mình thuộc diện TGPL là cần thiết vì phải có hồ sơ tối thiểu.

Theo đó, đối tượng TGPL trong luật hiện hành có 6 nhóm đối tượng, thì dự thảo Luật mới mở rộng lên là 14 nhóm. Hiện nay, những người hiện thụ hưởng TGPL là không thay đổi như người có công, đồng bào dân tộc thiểu số… Theo tính toán sơ bộ, sau khi mở rộng đối tượng thì diện được thụ hưởng TGPL sẽ tăng từ 17 lên trên 31 triệu người. Đây là những người không có khả năng chi trả về tài chính và điều này cũng phù hợp với công ước quốc tế hiện nay”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ có 31 triệu người thuộc diện được hưởng trợ giúp pháp lý