Một chiến đấu cơ Nga mới đây đã từ Syria bay sang không phận do Israel kiểm soát, song không có sự cố gì xảy ra, Bộ trưởng Quốc phòng Israel ngày 29/11 cho biết.
Máy bay Nga tham gia chiến dịch không kích chống IS ở Syria. Ảnh: AFP
Tuyên bố nói trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa Moscow và Ankara leo thang nghiêm trọng, sau khi một chiếc Su-24M của Nga bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi gần biên giới Syria với cáo buộc “xâm phạm không phận” nước này.
Trong khi đó, Điện Kremlin hoàn toàn bác bỏ lời buộc tội của Istanbul, đồng thời khẳng định Su-24 bị rơi trên đất Syria, và chưa từng bay sang vùng trời Thổ Nhĩ Kỳ, dựa trên dữ liệu từ căn cứ không quân tại Latakia.
AFP dẫn lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Yaalon trên đài phát thanh công cộng: “Sự vi phạm không đáng kể đã xảy ra khi một phi cơ của Nga bay từ Syria vào không phận của chúng tôi khoảng 1,6km. Tuy nhiên, sự việc được giải quyết ngay lập tức và máy bay Nga đã quay trở lại Syria”.
“Đó rõ ràng là lỗi do phi công lái máy bay gần Golan”, ông Moshe Yaalon nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel khẳng định: “Máy bay Nga không có ý định tấn công chúng tôi, đó là lý do vì sao chúng tôi không phản ứng một cách máy móc và bắn hạ chúng khi xảy ra sai sót”.
Trước đó, tháng 9/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có cuộc hội đàm thảo luận các biện pháp nhằm tránh xảy ra xung đột trên không phận Syria. Jerusalem và Moscow đã đạt được thỏa thuận liên quan, trong đó có việc thiết lập một “đường dây nóng” và chia sẻ thông tin về các chuyến bay.
Tháng 9/2014, Israel đã bắn rơi một máy bay chiến đấu của Syria - do Nga sản xuất - bay qua Cao nguyên Golan, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả một cách “mạnh mẽ” nếu như an ninh quốc gia bị đe dọa.
Năm 1967, Israel chiếm được hầu hết khu vực Cao nguyên Golan từ Syria, và sau đó tiến hành sáp nhập lãnh thổ. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế chưa bao giờ thừa nhận điều này.
Từ năm 2013, Israel đã tiến hành nhiều cuộc không kích ở Syria, với mục tiêu chủ yếu nhắm vào các vũ khí mà Jerusalem cho rằng chúng được chuyển cho phong trào Hezbollah.
Tuy nhiên, việc Moscow mở rộng sự hiện diện quân sự tại Damascus bằng chiến dịch không kích chống IS và các nhóm khủng bố khác - theo yêu cầu của Tổng thống Bashar al-Assad - khiến Jerrusalem lo ngại có thể bị hạn chế phạm vi hoạt động trên vùng trời Syria.
Và do đó, mặc dù quan điểm của Israel trong vấn đề Syria là phản đối Tổng thống Assad, nhưng luôn tìm cách để tránh bị lôi kéo vào cuộc chiến này.
Jerusalem lo ngại Tehran, sau khi được dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế (với sự giúp đỡ của Moscow), sẽ tăng cường hỗ trợ cho Hezbollah và các nhóm phiến quân khác. Tháng 7 vừa qua, Iran đã đạt được một thỏa thuận lịch sử với các cường quốc thế giới về việc cắt giảm chương trình hạt nhân của mình.