Như vậy là những ồn ào xung quanh việc 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 bị cấm hát đã có hồi kết. Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thu thập tư liệu, đối chiếu và đánh giá chưa đủ cơ sở tạm thời dừng phổ biến 5 bài hát này.
Liên quan đến vụ việc này, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 gồm: Con đường xưa em đi, Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú.
Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể, cá nhân tham mưu việc tạm dừng lưu hành 5 ca khúc đã được cấp phép phổ biến.
Mặc dù quyết định của Cục Nghệ thuật biểu diễn đã được rút lại nhưng dư luận vẫn chưa hài lòng với cách quản lý nghệ thuật đầy máy móc, bị động của đơn vị này. Việc giải thích vòng vo, luẩn quẩn về nguyên nhân việc tạm dừng lưu hành các ca khúc trước đó của lãnh đạo đơn vị này đã bị dư luận phản ứng gay gắt vì thiếu tính thuyết phục.
Vì sao lại đào xới ra cái nguyên nhân dị bản với tác quyền để tạm dừng những ca khúc đó? "Bới lông tìm vết" là việc hoàn toàn không đáng làm. Cứ cho rằng những ca khúc sáng tác trước năm 1975 có một số từ ngữ "chưa phù hợp" với xã hội chúng ta hiện nay thì cũng không nhất thiết phải cấm. Thay vì điều đó, hãy trao quyết định cho người hưởng thụ âm nhạc, nghệ thuật vì họ mới chính là những người quyết định sự sống còn của những ca khúc đó.
Ca khúc "Con đường xưa em đi" của Nhạc sĩ Châu Kỳ-Hồ Đình Phương được cấp phép trở lại
Nếu không có sự kiện Trường đại học Y Dược Huế tổ chức chương trình "Nối vòng tay lớn" thì có lẽ sẽ không ai biết rằng, mấy chục năm nay, nhiều thế hệ người Việt vẫn đang say sưa "hát chui" ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Một ca khúc quá quen thuộc với thanh niên Việt Nam, thậm chí đã được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy nhưng vẫn chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến. Một nguyên nhân cực kỳ đơn giản là "không xin thì không cho". Không chỉ có Nối vòng tay lớn mà rất nhiều ca khúc khác của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đều có số phận tương tự.
Và sau sự kiện này, thiên hạ mới thấy được cái cách quản lý kiểu "xin-cho" mang nặng tính hành chính của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Ông Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương đã giải thích rằng, Cục làm đúng theo những gì pháp luật quy định, vì theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ thì phải có người xin Cục mới cấp phép.
Lẽ ra khi nhận thấy sự bất cập thì Cục Nghệ thuật biểu diễn cần có những tham mưu, đề xuất để sửa đổi nhưng ngược lại họ lại âm thầm, lặng lẽ, thực hiện một cách máy móc.
Thử thống kê xem, hiện Việt Nam có bao nhiêu ca khúc âm nhạc sáng tác cả trước và sau 1975? Chắc chắn con số không nhỏ hơn hàng vạn. Với một kho tàng đồ sộ như thế (chưa tính các thể loại nghệ thuật khác) thì mỗi lần muốn hát ca khúc nào đó, người dân phải lẽo đẽo lên Cục để hỏi xem đã được cấp phép chưa hay sao?
Để xảy ra những chuyện rắc rối trong việc quản lý các tác phẩm âm nhạc vừa qua cho thấy một lối tư duy lỗi thời, lạc hậu, cơ chế "xin-cho" vẫn còn rất nặng nề. Đến ngay việc hưởng thụ nghệ thuật cũng đầy rẫy những rắc rối và ngặt nghèo như thế thì thử hỏi những nhu cầu khác của người dân sẽ còn khó khăn đến đâu.
Một điều nực cười khác là dù không được cấp phép phổ biến thì nhiều bài hát vẫn được biểu diễn rầm rộ trên các sân khấu, người dân vẫn nghêu ngao hát tưng bừng, và dù vi phạm rõ ràng như thế thì cũng chẳng ai bị phạt bao giờ. Vậy thì, vai trò quản lý của Cục Nghệ thuật biểu diễn là gì và có nên tồn tại hay không?