Sáng nay, Thủ tướng lên đường dự ASEM 12, P4G và thăm chính thức 3 nước châu Âu

Xuân Lan| 14/10/2018 08:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuyến tham dự, thăm làm việc tại EU của Thủ tướng nhằm khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Sáng nay, Thủ tướng lên đường dự ASEM 12, P4G và thăm chính thức 3 nước châu Âu

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân

Sáng 14/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam lên đường sang thủ đô Vienne, Cộng hòa Áo, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 12, Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) và thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch, thăm làm việc tại Liên minh châu Âu từ ngày 14-21/10.

Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Cộng hòa Áo Sebastian Kurz, Thủ tướng Vương quốc Bỉ Charles Michel, Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen,

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công tác đối ngoại tại châu Âu lần này có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Tham gia đoàn còn có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam, Đại sứ Việt Nam tại Áo Lê Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự ASEM 12, P4G, thăm chính thức Áo, Bỉ, Đan Mạch, thăm làm việc tại EU lần này nhằm khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Chuyến thăm đồng thời truyền tải thông điệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, tham gia hiệu quả vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu tại các tổ chức đa phương.

Việt Nam chủ động đóng góp vào quan tâm chung của ASEM

Từ năm 1996, qua hơn 2 thập kỷ tham gia ASEM, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEAM. Việt Nam đóng góp nổi bật nhất là việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM 5 (năm 2004), 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực: kinh tế (năm 2001), công nghệ-thông tin (năm 2006), ngoại giao (năm 2009), giáo dục (năm 2009), lao động (năm 2012) và triển khai nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực chuyên ngành thuộc ưu tiên của ASEM.

Việt Nam tham gia đề xuất thúc đẩy hai lần mở rộng ASEM (ASEM 5 năm 2004 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 năm 2009) và cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn,” “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh,” “Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM” (năm 2004).

Đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực của Diễn đàn với đề xuất 24 sáng kiến và đồng bảo trợ 27 sáng kiến về những lĩnh vực thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như: văn hóa, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội, tăng trưởng bao trùm, kinh tế số…

Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước là “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững”, trong đó tập trung hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mekong-Danube, góp phần nâng hợp tác tiểu vùng Mekong lên tầm liên khu vực. Đồng thời, Việt Nam cũng đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong ASEM (Điều phối viên hai nhiệm kỳ 1999-2000 và 2001-2002, Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Á-Âu giai đoạn 2008-2012).

Việt Nam hiện đang phát huy vai trò trong 5 Nhóm hợp tác chuyên ngành mà Việt Nam là thành viên về quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai, đào tạo nghề, giáo dục, phát triền nguồn nhân lực và kết nối công nghệ.

Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả của đối ngoại đa phương, trong đó coi trọng Diễn đàn ASEM. Năm 2018, Việt Nam đăng cai thành công “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát phát triển bền vững” tại Cần Thơ tháng 6/2018. Sáng kiến đầu tiên về ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững, thúc đẩy các lợi ích và quan tâm của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tháng 11/2018, Việt Nam sẽ đăng cai “Hội nghị Á-Âu về học tập suốt đời gắn với đào tạo nghề, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững."

Việt Nam tích cực tham gia, chủ động đóng góp vào các quan tâm chung của ASEM, đặc biệt trong các lĩnh vực như kết nối, an ninh lương thực, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai, phát triển nguồn nhân lực...

Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) được chính thức thành lập ngày 1/3/1996, theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của 26 nhà Lãnh đạo Á-Âu, đặc biệt từ ASEAN. Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM, lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.

Mục tiêu của ASEM là tạo dựng "một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á-Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn," “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng."

Qua 5 đợt mở rộng, ASEM đã tăng từ 26 lên 53 thành viên (22 châu Á và 31 châu Âu), trong đó có 4 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 12 nước G20, 4 nước BRICS, đại diện cho 60% dân số thế giới, đóng góp hơn 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 diễn ra tại Copenhaghen (Đan Mạch). Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ đề ra tầm nhìn, định hướng lớn, các biện pháp, hành động cụ thể về thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (P4G) được hình thành trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch nhằm tạo điều kiện và giúp phát triển quan hệ đối tác công tư đóng góp, thúc đẩy tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu 2030 thông qua thực hiện tăng trưởng xanh, thể hiện và tạo điều kiện cho việc phổ biến các giải pháp, mở rộng quy mô thực hiện các giải pháp trên toàn cầu.

Đến nay, Diễn đàn P4G đã có 7 quốc gia tham dự bao gồm: Đan Mạch (sáng lập), Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya và Colombia cùng với sự tham gia của các tổ chức quốc tế như Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, Viện Tài nguyên thế giới, State of Green, mạng lưới C40 bao gồm 91 quốc gia và lãnh đạo của các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Ngày 7/7/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7110/VPCP-QHQT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý việc Việt Nam tham gia Diễn đàn Diễn đàn P4G với tư cách là đối tác chính thức. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham dự Diễn đàn và triển khai các hoạt động liên quan.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng nay, Thủ tướng lên đường dự ASEM 12, P4G và thăm chính thức 3 nước châu Âu