Sản phẩm trên thị trường tài chính hiện nay được các chuyên gia nhìn nhận là vừa thừa, vừa thiếu. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Trên thị trường tài chính nói chung và thị trường nợ, thị trường chứng khoán nói riêng tiền không còn là vấn đề, mà vấn đề hiện nay là thiếu sản phẩm để người chơi tham gia và tạo màu sắc, diện mạo mới cho thị trường. Tuy nhiên cũng có những sản phẩm đã xuất hiện trên thị trường nhưng không được chào đón. Tại Hội thảo “Thị trường tài chính Việt Nam: Xu hướng và tiêu điểm” được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) nhận xét rằng nhà đầu tư vẫn chủ yếu gửi tiết kiệm, hoặc mua nhà để cho thuê.
Theo ông Minh, nguyên nhân của tình trạng này là do: “Việc phát triển các sản phẩm mới cho thị trường tài chính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong những năm qua diễn ra khá nhanh. Tuy nhiên, dường như thị trường chưa tiếp nhận nhiều sản phẩm. Bằng chứng điển hình là nhiều sản phẩm quỹ đầu tư như: Quỹ mở, Quỹ hoán đổi danh mục (Exchange Traded Fund –ETF)… hiện có quy mô rất thấp. Nhà đầu tư cá nhân chưa mấy tham gia các sản phẩm này”.
Một phần nguyên nhân khiến nhà đầu tư chưa mặn mà với các sản phẩm tài chính mới được các chuyên gia chỉ ra là do nhà đầu tư nhỏ Việt Nam hiện chủ yếu vẫn ưa thích các sản phẩm đầu tư đơn giản, có tính đầu cơ cao hơn là các sản phẩm có tính phức tạp và chiến lược đầu tư dài hạn. Dẫn chứng cho điều này, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán nêu ví dụ: Với quỹ ETF, sau thời gian dài nỗ lực triển khai đến nay, hai nhà phát hành là công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) và Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) khá thất vọng vì nhà đầu tư ít quan tâm. Thực tế cho thấy các sản phẩm càng hiện đại, thì khả năng hấp thụ của thị trường càng thấp.
Sản phẩm trên thị trường tài chính muốn hút nhà đầu tư, ngoài yếu tố chất lượng, thì cần phải dễ hiểu, dễ đầu tư. Ảnh minh họa
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) với đại diện các tổ chức tài chính thành viên VBMA cho thấy, tài sản đầu tư ưa thích nhất của những người được hỏi là mua nhà hoặc cửa hàng cho thuê, thứ nhì là mua đất đai, thứ ba mới tới cổ phiếu chứng khoán và thứ tư là gửi tiết kiệm. Việc nhà đầu tư lựa chọn mua nhà hoặc cửa hàng cho thuê là để tạo được nguồn thu nhập ổn định và định kỳ, thu được số tiền lớn hơn trong tương lai, khả năng tạo thuận lợi nhanh, bảo toàn vốn, nhưng những khoản đầu tư này lại là thanh khoản thấp, khó lấy lại tiền mặt ngay khi cần, cần vốn đầu tư cao, cũng như lợi nhuận không phải lúc nào cũng hấp dẫn. Với kênh đầu tư cổ phiếu, ưu thế là khả năng tạo lợi nhuận nhanh, thanh khoản tốt, nhưng kèm theo đó là rủi ro cao, không tạo ra thu nhập đều đặn, không có thời gian theo dõi.
Nhận xét về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Trưởng bộ phận kinh doanh, Công ty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt (BVFMC) cho rằng những người có tiền yêu thích tài sản vật chất như nhà đất, nhưng bất động sản ở trung tâm thì khó mua, ở xa thì thiếu thanh khoản. Do vậy, thị trường cần những sản phẩm có thu nhập nhưng không khó thanh khoản. Theo bà Thúy, BVFMC đang nghiên cứu các sản phẩm chứng chỉ quỹ bất động sản với mong muốn giải quyết được vấn đề thanh khoản, người đầu tư với khoản tiền nhỏ có thể tham gia và tránh được những rủi ro truyền thống.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng thị trường đang rất cần nhiều sản phẩm tài chính như chứng khoán hóa khoản nợ hay sản phẩm bảo hiểm rủi ro tỷ giá, lãi suất... Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường thừa nhận đúng là thị trường đang có nhu cầu chứng khoán hóa các khoản nợ trong lĩnh vực bất động sản để có thể giao dịch được trên thị trường. Nhà quản lý đang “nợ” thị trường khung pháp lý về vấn đề này. Điều nhà quản lý luôn quan ngại mỗi khi muốn áp dụng bất kỳ một sản phẩm mới nào chính là việc triển khai hệ thống công nghệ cũng như quản trị rủi ro sao cho đảm bảo tính an toàn hệ thống trên toàn thị trường. Thực tế, các tổ chức trung gian tài chính chưa đáp ứng được yêu cầu cả về tiến độ lẫn chất lượng. Chính những yếu tố này đang làm cho việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới bị chậm và gặp khó khăn.
Các sản phẩm tài chính vốn dĩ có tính phức tạp, khó hiểu nên theo quan điểm của ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty chứng khoán Kỹ Thương, làm sao để các sản phẩm tài chính phải trở nên dễ hiểu, dễ đầu tư. Các nhà cung cấp sản phẩm tài chính đừng nói cho thị trường biết sẽ làm gì, mà điều quan trọng là phải xem thị trường muốn gì để phát triển các sản phẩm phù hợp.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc công ty cổ phần StoxPlus quan niệm: “Bất kỳ sản phẩm tài chính nào, từ đơn giản đến phức tạp, để được nhà đầu tư đón nhận, ngoài yếu tố chất lượng phải được đảm bảo, thì sự phù hợp với khẩu vị của nhà đầu tư, cũng như môi trường xung quanh hỗ trợ cho phổ cập các sản phẩm đó là rất quan trọng”. Ông Thuân dẫn con số riêng tiền thu từ tái bảo hiểm năm 2015 đã gần 2 tỷ đô la Mỹ để thấy rằng tiền trong nhà đầu tư Việt Nam còn rất nhiều. Và để tiền chảy vào thị trường chứng khoán, rất cần các nhà hoạch định chính sách, lẫn các tổ chức trung gian phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính đưa ra được những sản phẩm đa dạng, hấp dẫn nhà đầu tư, khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu như hiện nay.