Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công một trường hợp nam bệnh nhân 19 tuổi bị nhiễm sán lá phổi nguy kịch.
Trước đó, nam bệnh nhân tên L.H.T. (19 tuổi, quê Tân Yên, Bắc Giang) xuất hiện triệu chứng đau tức ngực phải. Sau đó, triệu chứng đau bắt đầu lan dần ra giữa ngực, đến phòng khám tư khám bệnh nhưng không tìm ra được nguyên nhân.
Bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện tuyến huyện thăm khám. Tại đây, qua kết quả chụp chiếu, bác sĩ chẩn đoán: bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi và được chuyển tuyến lên bệnh viện tỉnh. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành hút dịch phổi ra ngoài cho bệnh nhân.
Trong quá trình hút dịch, các bác sĩ thấy nhiều ký sinh trùng ra cùng với dịch ở phổi. Lập tức, nam bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp và tràn dịch màng phổi.
Bác sĩ thăm, khám cho bệnh nhân
TS.BS Trần Văn Giang - Phụ trách Khoa Virus - Kí sinh trùng cho biết, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực, các bác sĩ đã dẫn lưu khí màng phổi và cho làm xét nghiệm tìm căn nguyên. Sau khi lấy dịch màng phổi làm xét nghiệm, các bác sĩ soi vi sinh thấy có hình ảnh sán lá phổi. Sau khi điều trị bằng thuốc sán lá phổi đặc trưng, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt, không còn tình trạng tràn khí, tràn dịch, sốt, đau tức ngực.
“Với tình trạng của bệnh nhân T., do đã suy hô hấp cấp nếu không điều trị kịp thời, tính mạng bệnh nhân có thể bị đe doạ”, BS Giang cho hay.
Theo BS Giang, người bị nhiễm sán lá phổi thường có triệu chứng điển hình là đau tức ngực, ho khạc ra máu, xuất huyết phổi vào buổi sáng sớm. Ngoài ra, bệnh có thể gây biến chứng như tràn dịch, khí, máu màng phổi khi nang tổn thương sán bị vỡ. Đây được đánh giá là bệnh mãn tính, nếu để muộn, bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng ho ra máu, xuất huyết phổi, thậm chí tràn dịch, khí, máu màng phổi và thiệt mạng.
Bệnh nhân có nguy cơ mắc sán lá phổi nếu tiếp xúc với căn nguyên, cụ thể là loài cua đá - vật chủ mang sán lá phổi đặc trưng, những bệnh nhân ở khu vực miền núi dễ mắc căn bệnh này hơn. Nếu trong quá trình chế biến, người dân ăn sống, ăn nướng… rất dễ nhiễm sán. Trước đây, Việt Nam có dịch sán lá phổi tại huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) cũng do căn nguyên tương tự.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn các đồ tái sống để tránh nguy cơ lây nhiễm sán, đặc biệt là sán lá phổi.