Tờ Environmental Science & Technology mới đây tiết lộ, trong thành phần hóa học của san hô lớn ở Biển Đông có chứa dấu vết của cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ nhất.
Bức tranh mô tả cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ nhất giữa Anh và Trung Quốc
Dẫn kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học do nhà địa hóa học Ruoyu Sun - hiện công tác tại trường Đại học Trent, Peterborough, Canada - đứng đầu, tác giả Patrick Monahan cho biết, thành phần hóa học của san hô không chỉ phản ánh tất cả những thay đổi khí hậu trong vòng vài nghìn năm qua, mà còn lưu giữ dấu tích của cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ nhất hồi thế kỷ 19 và cuộc Chiến tranh thế giới II.
“Thủy ngân đã được sử dụng để sản xuất vũ khí và vật liệu nổ. Thế rồi, bom mìn nổ khiến thủy ngân phát tán trong không khí và rơi xuống biển”, ông Ruoyu Sun lý giải.
Theo Environmental Science & Technology, các nhà khoa học đã thu thập mẫu san hô lớn lên ở Biển Đông trong suốt 200 năm qua, sau đó tiến hành nghiên cứu thành phần hóa học của chúng.
Theo nghiên cứu, trong thành phần hóa học của san hô lớn ở Biển Đông lưu giữ dấu vết của cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ nhất và Thế chiến II
Phát hiện bất ngờ nói trên hoàn toàn tình cờ và nằm ngoài dự đoán của các nhà khoc học. Theo tác giả Patrick Monahan, nhóm của ông Sun không quan tâm đến lịch sử các cuộc xung đột ở châu Á tiến hành nghiên cứu.
Việc phát hiện được dấu vết cuộc chiến tranh nha phiến và Thế chiến II nằm trong quá trình nghiên cứu xem san hô ở các đại dương trên thế giới phản ứng như thế nào với ô nhiễm thủy ngân ảnh hưởng trực tiếp đến loài cá.
Environmental Science & Technology cho biết thêm, từ dữ liệu này, các nhà nghiên cứu có thể tìm ra được công thức sản xuất chất nổ ở các nước khác nhau như thế nào ở thời điểm đó.