Mặc dù đã có kết luận thanh tra về đơn tố cáo các sai phạm xảy ra tại trường ĐH Ngoại thương Hà Nội nhưng người tố cáo cho rằng KLTT còn bao che cho sai phạm, thiếu minh bạch, không khách quan, bỏ qua nhiều vi phạm có dấu hiệu hình sự.
Vì vậy, sau thanh tra, sai phạm vẫn tiếp diễn, tình hình tại trường ngày càng xấu đi, mâu thuẫn nội bộ càng trở nên gay gắt…
Nhiều nội dung chưa làm rõ
Ông Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng và bà Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương Hà Nội (ĐHNTHN) bị tố cáo có những sai phạm trong công tác tài chính, thu chi bỏ ngoài sổ sách, thu khống, khai khống có dấu hiệu tham ô, tham nhũng, “tư túi”, tuyển sinh đào tạo, tổ chức cán bộ chưa đúng theo quy định của pháp luật.
Kết luận thanh tra (KLTT) số 548/KL-TTr ngày 16/07/2013 của Thanh tra Bộ GD&ĐT nêu 7 nội dung thiếu sót, sai phạm của ông Châu và bà Giang (Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất, kế toán - tài vụ, và trước đây là Trưởng phòng KH-TC). Thế nhưng, dư luận vẫn cho rằng KLTT không khách quan, có dấu hiệu bao che.
Các giảng viên của trường cho rằng, mặc dù qua thanh tra đã phát hiện các sai phạm như để ngoài sổ sách nhiều khoản thu, chi sai quy định, đồng nghĩa với việc có những dấu hiệu của sự "tư túi", tham ô và những sai phạm khác, thế nhưng KLTT lại ghi: "Trường đã thực hiện công khai thu, chi tài chính, cơ bản đúng theo quy định". Hàng loạt sai phạm của lãnh đạo nhà trường không được phản ánh khách quan, đầy đủ trong KLTT như bỏ qua đi nhiều khoản thu, chi để ngoài sổ sách, thiếu minh bạch, có biểu hiện tham ô; nhiều hạng mục chi "khống", chênh lệch hàng tỉ đồng giữa thực chi và báo cáo các cơ quan chức năng của Bộ.
Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội
Cụ thể: bà Giang thu hồi tiền công tác phí và tiền lương hợp đồng khoán việc của các giáo viên trong Chương trình tiên tiến và Dự án Mutrap III có nhiều sai phạm, thu tiền không có phiếu thu, sau đó giả mạo chữ ký, lập chứng từ ghi "lùi ngày" để hợp thức hóa… đã không được thanh tra kết luận rõ ràng. Sự việc ông Châu chỉ đạo làm giả chứng từ vào ngày 17/6/2012, để hợp thức hóa các khoản thu từ năm 2008 đến 2012 đưa vào sổ kế toán năm 2011 nhưng thanh tra vẫn bỏ qua. Thêm vào đó, việc để ngoài sổ sách số tiền luyện thi sau đại học mỗi năm từ 3-5 tỷ đồng suốt từ năm 2009 đến nay cũng chưa được làm rõ.
Việc sửa chữa các nhà A, nhà B và D, thanh tra chỉ dựa vào các chứng từ, tài liệu, chứ không kiểm tra thực tế. Việc lập hồ sơ thanh quyết toán tiền sửa chữa nhà B có dấu hiệu thất thoát khoảng 1 tỷ đồng (thể hiện tại Hợp đồng số 02/2009 TTHĐ-TH ngày 10/11/2009); việc thu tiền phạt nộp chậm học phí của sinh viên, có học sinh phải nộp phạt tới 7,8 triệu đồng; việc sử dụng xe ô tô công trái phép của ông Châu; việc đầu tư mua sắm trang thiết bị tại một số khoa và phòng ban; từ 2005 đến 2012, ông Châu đã bổ nhiệm và tái bổ nhiệm hơn 120 trưởng, phó trưởng khoa, phòng và tương đương mà không họp bàn trong BGH, không trong diện quy hoạch, không qua đánh giá cán bộ, kí tuyển dụng 493 người, trong đó nhiều người không đủ tiêu chuẩn... đều không được thanh tra đi sâu xác minh làm rõ để có hình thức xử lý thỏa đáng.
Không đồng tình với Kết luận thanh tra
Nói về về KLTT, TS. Nguyễn Huyền Minh - Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (KT&KDQT) - trường ĐHNT nói: "Bản KLTT chưa đi đến cùng bản chất của sự việc, những vấn đề mấu chốt, cần làm rõ thì lại nói là không có cơ sở kết luận... thể hiện sự thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu bao che sai phạm... Điểm bất thường là thanh tra đã không làm rõ (hoặc không kết luận) các vấn đề mà chính các thành viên trong đoàn đã mắt thấy, tai nghe và kí xác nhận vào biên bản làm việc. Nên không có gì ngạc nhiên khi tình hình trường tiếp tục bất ổn, xấu đi sau thanh tra".
Nhiều CBGV nhà trường bức xúc vì: "KLTT đã không làm rõ sai phạm của bà Giang, gây dư luận vô cùng xấu trong nội bộ những giáo viên đã tố giác. Chúng tôi mong mỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền".
Không đồng tình với KLTT số 548, các giáo viên của trường tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng. Thông báo số 04/TB-TTr ngày 27/3/2014 của Thanh tra Bộ GD&ĐT về kết quả xem xét giải quyết một số nội dung đơn tố cáo đối với trường Đại học Ngoại thương lại bị phản đối vì Bộ GD&ĐT không về thanh tra trên thực tế, tự ý ra kết luận, trả lời không khách quan, không trung thực. Những sai phạm của 2 cá nhân này lại biến thành sai phạm của Trường, Thanh tra Bộ cố tình né tránh không kết luận những sai phạm nghiêm trọng, chỉ kết luận những vấn đề không phải trọng tâm, mấu chốt và không khách quan, không chính xác.
Chờ một kết quả công minh
Điều đặc biệt, tại cuộc họp thực hiện KLTT, mặc dù ông Châu và bà Giang được xác định có tới 14 thiếu sót, sai phạm trong nhiều lĩnh vực, nhưng vẫn nhận được 11/14 phiếu đề nghị "không kỷ luật". Còn 3 vị phó hiệu trưởng khác không liên quan đến những sai phạm này, không được nhắc tới trong KLTT lại nhận được một số phiếu đề nghị khiển trách và cách chức.
Việc kỷ luật theo KLTT được thông báo số 37/TB-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ GD&ĐT cho biết các vi phạm của ông Châu và bà Giang “chưa tới mức phải xem xét kỷ luật”. Chính vì mức xử lý được cho là quá “nương tay” này khiến dư luận bức xúc, chưa thấy tính nghiêm minh và sự răn đe của pháp luật, người tố cáo tiếp tục tố cáo.
Để làm sáng tỏ thêm một số vấn đề, theo Văn bản số 288/C48(P5) ngày 14/5/2014 của Cục CSĐTTP về tham nhũng, Tổng cục CSPCTP (Bộ Công an) thì ngày 12/5/2014, Cục CSĐTTP về tham nhũng có văn bản gửi Bộ GD&ĐT đề nghị tiếp tục thanh tra làm rõ, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Người tố cáo và dư luận đang chờ đợi một kết quả công minh từ cơ quan chức năng giúp họ yên tâm công tác.