Sai thì phải sửa. Thế nhưng, Benjamin Franklin - nhà lập quốc vĩ đại người Mỹ lại có câu: “Ngày mai, mọi lỗi lầm đều được sửa chữa; nhưng cái ngày mai đó không bao giờ đến”.
“Chúng ta đã sai vì đẻ ra quá nhiều trường Đại học”. Đó là phát ngôn ấn tượng của vị Tổng tư lệnh ngành Giáo dục - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Đại học” vừa qua. Tại hội nghị, các vấn đề tồn tại của nền giáo dục đào tạo Đại học đã đại diện của hơn 270 trường Đại học trong cả nước bàn bạc, mổ xẻ, phân tích, để từ đó cùng nhau đồng lòng dốc sức tìm ra phương thuốc “đặc trị”.
Chúng ta đã sai! Đó là một sự thừa nhận thẳng thắn nhưng… đau lòng. Theo thống kê hồi tháng 5/2016, cả nước có 412 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Tính bình quân mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường ĐH,CĐ; cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng tăng, mà cụ thể là thống kê Quý 1/2016 cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Cử nhân thất nghiệp. Thạc sĩ thất nghiệp. Tiến sĩ trình độ… ao làng. Những điệp khúc nhan nhản xuất hiện trên mặt báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rồi thì, trường không đạt chuẩn, chất lượng đào tạo không đáp ứng được nhu cầu xã hội; thậm chí lại còn xuất hiện thêm cả những… “lò” đào tạo tiến sĩ từng gây xôn xao dư luận hồi tháng 4/2016 khiến Thủ tướng Chính phủ phải vào cuộc chỉ đạo yêu cầu chấn chỉnh đào tạo tiến sĩ v.v…
Cánh cửa việc làm đã khép! Tranh minh họa: LAP
“Quá khứ của chúng ta đã mắc phải sai lầm đó là đẻ ra quá nhiều trường Đại học không đạt chuẩn”, PGS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) TP.HCM thừa nhận tại Hội nghị. Vì vậy, việc của chúng ta bây giờ là phải khắc phục những sai lầm đó bằng cách “chấn hưng lại”, cần phải làm “một cuộc bình định khách quan có hiệu quả”, ông nhấn mạnh.
Còn theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cần phải “bắt mạch để xem bệnh chỗ nào để chữa trị”. Thế nhưng, cũng theo Bộ trưởng, nếu đó là bệnh có thể chữa được thì sẽ cố gắng chữa đến cùng, còn không thì sẽ phải “can đảm để chính thức khai tử”, không để kéo dài tình trạng “tiền lâm sàng” đối với những trường… không đạt chuẩn!
Ấy vậy nhưng, nói đi cũng phải nói lại. Theo đúng quy luật cung - cầu của nền kinh tế thị trường, vì “cầu” nên mới cần “cung”. Vì “cầu” nên mới có nhiều trường không những không đảm bảo chất lượng đào tạo, mà ngay cả cơ sở hạ tầng danh chính ngôn thuận là của trường đại học nhưng thực chất lại là nhà kho được thuê lại; hoặc một số trường chỉ đào tạo các ngành xã hội, kế toán, quản trị kinh doanh hoặc các ngành để không phải đầu tư cơ sở vật chất gì, v.v… và v.vv… Tất nhiên đây không phải đánh giá hàm hồ mà xin được mở ngoặc nói thêm rằng, đó là một số ý kiến của chính các vị đại diện đến từ hơn 270 trường đại học tại Hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Đại học” tổ chức ở Đà Nẵng vừa qua.
Song đau lòng hơn, những “chuẩn” mà nhiều trường Đại học có nguy cơ bị “trảm” vì không đạt ấy đến từ ngay chất lượng, trình độ của những người đứng trong đội ngũ trồng người. Vậy nên mới có câu chuyện đắng lòng về vị giảng viên xài bằng giả; hay như giảng viên nhận làm bằng giả cho sinh viên. Giảng viên, sinh viên - Chức danh thật, chỉ có bằng cấp là giả!
Đã giả thì dù có che đậy tinh vi đến cỡ nào rồi cũng bị phát giác, cũng bị khui ra, và cuối cùng… bị xử lý. Vậy nhưng sao vẫn có nhiều người thích đồ giả? Vì “đồ giả” (bằng giả) giúp cho hồ sơ xin việc được đẹp hơn, gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng hơn và lẽ dĩ nhiên cơ hội có chân ở một vị trí “đẹp” cũng cao hơn (!?). Và “đồ giả” có vẻ như cũng dễ kiếm hơn (ít nhất vẫn có thể mua được nếu đủ tiền).
“Chúng ta đã sai vì đẻ ra quá nhiều trường Đại học”. Mà đã sai thì phải sửa, chứ không phải thoái thác và lùi bước. Thế nhưng, Benjamin Franklin - chính trị gia, nhà khoa học, tác giả, triết gia, nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, nhà ngoại giao người Mỹ, người duy nhất không phải Tổng thống xuất hiện trên tờ đôla Mỹ, một trong những nhà lập quốc nổi tiếng nhất của nước Mỹ lại có câu: “Ngày mai, mọi lỗi lầm đều được sửa chữa; nhưng cái ngày mai đó không bao giờ đến”. Bởi vậy, trước khi đưa ra một quyết sách mới, trước khi đưa vào thực hiện một quy trình, quy định mới có ảnh hưởng lớn đến số đông, đến thế hệ tương lai của đất nước, thiết nghĩ các cơ quan hữu trách, các nhà hoạch định giáo dục nên cân nhắc một cách cẩn trọng, suy tính thiệt hơn một cách thấu đáo để những "con sâu" không có cơ hội “làm rầu nồi canh”.