Sách lớp 1 gây tranh cãi vì 'dạy thiếu chữ P'

Minh Khang| 24/02/2022 14:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội phản ánh sách Tiếng Việt lớp 1 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" không dạy chữ P.

Ngày 24/2, ông Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Tiểu học Tô Hiến Thành - Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết trong một lần qua nhà người thân chơi và thấy cuốn Tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối tri thức và cuộc sống, ông phát hiện sách này không dạy chữ P một cách độc lập như các chữ cái khác, mà chỉ dạy Ph. Lúc đó, ông đã thắc mắc "Nếu gặp những từ có P trước một nguyên âm, học sinh biết đọc thế nào"?

Sau khi ông phản ánh trên mạng xã hội (dưới dạng thư ngỏ gửi Bộ trưởng), một chủ biên cuốn sách giải thích, sách đã dạy về chữ P khi kết hợp với H để thành Ph. Người biên soạn không tách P độc lập vì rất ít từ Tiếng Việt có P trước nguyên âm, nếu có thì là từ ngoại lai.

Bức xúc với giải thích này, ông Vịnh bày tỏ sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, nhất là ở cấp tiểu học, phải có tính phổ quát tới 54 dân tộc, chứ không dạy riêng cho người Kinh. "Sai sót này là không thể chấp nhận vì nó ảnh hưởng tới việc học tập của con em đồng bào các dân tộc", ông Vịnh viết.

Cũng theo hiệu trưởng này, nhiều, chứ không phải ít từ, có P đứng trước. Ông dẫn chứng hàng chục từ là địa danh, tên người có chữ P, chẳng hạn ở Lai Châu có các xã Pa Ủ, Pa Vệ Sử, Pa Tần, Pu Sam Cáp, Pa Khóa, Pắc Ta, Pú Đao, Nậm Pì... Nếu sách không dạy chữ P độc lập, trẻ sẽ bối rối khi gặp tên các địa danh trên.

Ông Vịnh nhấn mạnh việc học đủ 29 chữ cái, trong đó có P, là yêu cầu bắt buộc, không được bớt.

Ông đề nghị Bộ Giáo dục và các cơ quan hữu trách yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cụ thể là Tổng chủ biên bộ sách phải bổ sung ngay, đưa chữ P trở lại mục lục cuốn sách, ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy định.

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối tri thức và cuộc sống ở trang 12 và 13 có in toàn bộ bảng chữ cái tiếng Việt. P xuất hiện ở bảng này. Đến trang 64, sách dạy Ph và Q; P xuất hiện như một cấu phần của Ph. Dù vậy, ở trang 105, sách nhắc đến địa danh Sa Pa - xuất hiện từ có P đứng trước nguyên âm.

Cùng một tổng chủ biên nhưng sách Tiếng Việt lớp 1 trong bộ Chân trời sáng tạo lại có hẳn một bài dạy về chữ P, đi liền là chữ Ph. Hiệu trưởng Vịnh đặt câu hỏi "Vậy bộ nào mới đúng"?

Bài 26, sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, dạy âm Ph và Qu. Ảnh: Thanh Hằng

Bài 26, sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, dạy âm "Ph" và "Qu". Ảnh: Thanh Hằng

Trước những phản ánh, PGS TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, cho rằng cần phân biệt chữ cái P và âm P trong cách dạy tiếng Việt. Ông khẳng định sách có dạy đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là quy định "cứng", không bộ sách giáo khoa nào có thể thay đổi vì bất cứ lý do gì.

Ông Hùng dẫn chứng, ở nhiều bài học, học sinh được luyện viết chữ P qua những từ như "đèn pin", "cặp da", "cá mập", "lốp xe"... của tập một và nhiều văn bản đọc khác của tập hai. "Vì vậy, ý kiến cho rằng Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, không dạy về chữ P hoàn toàn không có cơ sở", ông Hùng nói.

Theo ông, vấn đề là dạy chữ P, như một phụ âm, như thế nào. Trong tiếng Việt, âm P xuất hiện chủ yếu cuối âm tiết, một số trường hợp xuất hiện đầu âm tiết. Ông Hùng lần lượt phân tích cách thiết kế bài dạy về hai trường hợp này.

Thứ nhất, với những từ có âm P xuất hiện ở cuối. Qua loạt bài "ap, ăp, âp", "op, ôp, ơp", "ep, êp, ip, up" (tập 1) và những từ đã nêu ở trên, ông Hùng cho rằng "có thể thấy rõ là sách có dạy âm P ở cuối, và dạy nhiều".

Trường hợp thứ hai, khi âm P ở đầu. Ông Hùng chia sẻ, khi học xong lớp 1, học sinh cần đọc được các từ như "đèn pin", "Sa Pa", "Nậm Pì"... nhưng các bộ sách có những cách khác nhau để thực hiện.

"Cách thứ nhất là dạy âm P trong bài về âm Ph. Trước khi học Ph, các em được luyện P, chứ không học riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm này. Cách thứ hai là dạy P riêng và dùng những từ như "pi-a-no" (piano), "pa-nô" (pano) để học sinh đọc và phát triển vốn từ", ông Hùng nói.

Theo ông, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (theo chương trình năm 2000) đã áp dụng cách thứ nhất và trở nên quen thuộc với nhiều giáo viên. Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống kế thừa cách dạy này.

"Sau khi làm quen, tập đọc âm P ngay trước khi học âm Ph, học sinh được luyện đọc âm đầu P trong một số bài học sau đó. Chẳng hạn, khi học vần "in", các em luyện đọc và viết từ "đèn pin", luyện đọc từ "Sa Pa" trong đoạn văn viết về Tây Bắc", ông Hùng dẫn chứng.

Lý giải vì sao chọn cách dạy này, ông Hùng cho biết âm P và Ph được học trong phần âm, ở khoảng tuần 5-6 của lớp 1. Nếu dạy âm P riêng thì cần phải có những "từ ứng dụng" để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ. Những từ này phải được lựa chọn, căn cứ trên những bài trước các em đã học. Theo đó, nếu dạy, người biên soạn buộc phải dùng những từ như "pi-a-no" (piano), "pa-nô" (pano), không thể dùng "Sa Pa" hay "Nậm Pì".

"Học sinh chưa được học âm S trong Sa Pa và vần "âm" trong Nậm Pì. Hơn nữa, thông thường, tên riêng không được dùng ở phần dạy phát triển vốn từ. Mới học 5-6 tuần mà học sinh phải đọc và hiểu nghĩa của những từ như pi-a-nô, pa-nô... là không phù hợp", ông Hùng cho hay.

Về câu hỏi cùng là tổng chủ biên hai bộ sách, nhưng một bộ dạy riêng âm P trong khi bộ kia thì không, ông Hùng cho biết ở bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, ông còn giữ chức vụ chủ biên nên chủ động chọn cách thiết kế bài giảng. Còn ở bộ Chân trời sáng tạo, ông trao quyền lựa chọn cho chủ biên. Ông Hùng khẳng định, sự khác nhau chỉ là cách dạy, không có bộ sách nào đúng hoặc sai.

(1) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sách lớp 1 gây tranh cãi vì 'dạy thiếu chữ P'