Không phải chúng tôi tự hào, nhưng chúng tôi dạy hai năm cuốn sách giáo khoa mới đưa cuốn sách giáo khoa cũ chúng tôi vẫn dạy được theo mô hình mới”, đó là chia sẻ của thầy Lê Đức Dũng, hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Trường, tỉnh Đồng Nai.
Học sinh bây giờ thông minh hơn bố mẹ trước đây
Đó là câu chuyện hài hước, nhưng chân thật mà thầy Lê Văn Dũng chia sẻ với phóng viên.
Thầy Lê Đức Dũng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Trường, Đồng Nai. Ảnh Ngô Chuyên.
Thầy Dũng tâm sự: “Có một lần họp phụ huynh, cha mẹ tới lớp xem con học, họ có nói với tôi là con tôi giờ nó hơn tôi rồi. Các con tự tin hơn, biết cách làm việc nhóm, trao đổi cũng như hướng dẫn cho nhau hiểu. Như vậy các con đã có kỹ năng mềm, kỹ năng mềm này nó có giá trị hơn là tất cả”.
Theo thầy Dũng, một học sinh học tốt, xuất sắc nhưng ra ngoài ngồi như một người tự kỷ cũng không đạt được một điều gì. Nhưng một học sinh, học ở lớp không giỏi nhưng khi ra cuộc sống nó biết sắp xếp cuộc sống thậm chí nó vẫn có tương lai tốt.
Thầy Dũng đến với nghề giáo như một cơ duyên được sắp đặt sẵn. Khi đất nước mới giải phóng, không có việc gì làm thầy Dũng về trường trung học Bà Rịa nộp đơn xin học.
“Ban đầu tôi cũng không yêu nghề lắm đâu. Sau một vài năm tôi nghiệm “chơi” với trẻ con tôi thấy thật thú vị, mình không phải đề phòng cái gì cả. Còn chơi với người lớn mình phải đề phòng, không biết bụng dạ người ta như thế nào”, thầy Dũng hóm hỉnh chia sẻ.
“Trẻ con nó hướng thiện, điều tốt trẻ con nó dễ tiếp thu. Nếu mình nhỡ có mất lòng ai họ sẽ nói đồ chơi với trẻ con ăn thua gì, như vậy trẻ con cũng là “cái cớ” để cho mình tránh tội …. Chính cái tình yêu trẻ đã là động lực lớn nhất của tôi gắn bó đến ngày hôm nay”, thầy Dũng nói.
Mô hình trường học mới bước đi bạo dạn
Hiện nay, mô hình trường học mới đang bị nhiều người phản ứng, thế nhưng bằng sự sáng tạo và cách nhìn sâu sắc, thầy cùng đội ngũ giáo viên trường Tiểu học Xuân Trường đã thay đổi cách nhìn với mô hình học mới và được nhiều giáo viên ghi nhận
Thầy Dũng chia sẻ: “Theo tôi nghĩ, nhiều thầy cô, phụ huynh chưa nghĩ thật sâu, chưa tới cuối cùng của vấn đề của mô hình học mới. Họ chỉ xem hình thức bên ngoài là quan trọng, hình thức đó nhiều khi tạo ra sự giả dối. Tại sao chúng ta lại phải bình xét hội đồng tự quản, phải nhảy vào trong lớp quản lý các bạn…”.
Phương pháp dạy chiếm một vai trò quan trọng. Ảnh Hải Nam.
“Ở Nhật Bản có phương pháp học thu môn nghĩa và nó đã áp dụng thành công. Có câu chuyện ở một gia đình người Nhật bố học giỏi môn Toán nhưng đứa con học quá dốt, bà mẹ cằn nhằn về việc học của con. Để giúp con mình, ông bố mỗi ngày viết riêng bài học cho con và hướng con học theo sức của nó. Cứ như thế, sau này đứa con đã trở thành một tiến sĩ Toán”, thầy Dũng dẫn chứng.
Bản chất của trường học mới là hướng học sinh học theo một thứ tự từ dễ tới khó. Mình phải uốn nắn, căn cứ vào lực học của học sinh mà truyền đạt cũng như gợi mở.
“Chuyển quá trình dạy học của ông thầy giúp học trò học thật, khi học sinh nắm được bản chất đó có thể vận dụng và nhớ rất lâu. Không phải chúng tôi tự hào, nhưng chúng tôi dạy hai năm cuốn sách giáo khoa mới đưa cuốn sách giáo khoa cũ chúng tôi vẫn dạy được theo mô hình mới”, thầy Dũng nhấn mạnh.
Theo thầy Dũng, một người thầy tốt sẽ biến cuốn sách bình thường thành cuốn sách tốt nhưng người thầy bình thường chưa chắc đã làm gì tốt cho cuốn sách tốt theo như ý đồ của người ta viết. Cuốn sách chỉ làm một phương tiện, quan trọng là lấy từ vốn sống.