Là khẳng định của Hội đồng thẩm định tại cuộc đối thoại với GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào cùng các cộng sự, để lắng nghe ý kiến của nhóm tác giả sách giáo khoa Công nghệ giáo dục.
Cụ thể, tại cuộc trao đổi, các Chủ tịch Hội đồng thẩm định khẳng định các thành viên Hội đồng có năng lực chuyên môn tốt, thái độ làm việc nghiêm túc, công bằng, khoa học… Quá trình thẩm định, các hội đồng đã rất linh hoạt trong vận dụng các tiêu chí thẩm định SGK mà Bộ GD-ĐT đã đề ra, tôn trọng sự đa dạng, khác biệt, sáng tạo riêng của các cuốn sách.
PGS.TS Trần Kiều - Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Toán nêu nguyên tắc không thể thay thế, khi quốc gia có một chương trình GDPT mới là cùng với đó phải có sách giáo khoa được viết theo các yêu cầu của chương trình đó. Bộ sách này dứt khoát phải được thẩm định trước khi đưa vào triển khai trong các nhà trường. Những sách giáo khoa dùng cho chương trình cũ sẽ không còn hiệu lực.
“Có một tiêu chuẩn rất quan trọng mà cả Bộ GD-ĐT và tất cả tác giả sách giáo khoa phải tuân theo là sách giáo khoa phải đáp ứng chương trình GDPT, cả về nội dung, mục tiêu, yêu cầu cần đạt. Cấu trúc sách giáo khoa là cấu trúc chung của chương trình. Nhưng bản mẫu sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại có cấu trúc được viết từ thời Liên Xô, làm đảo lộn cấu trúc của chương trình GDPT mới. Hầu hết các phần nội dung trong sách Toán 1 của thầy được lấy từ lớp trên xuống, những yếu tố đại số được đưa xuống rất sớm”, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Toán lớp 1 nói. Ông cho rằng, học trò lớp 1 không cần thiết học những nội dung nặng nề của lớp trên và việc học Toán đối với trẻ lớp 1 nên được diễn ra một cách tự nhiên, phù hợp với tâm sinh lý của trẻ.
GS Hồ Ngọc Đại đối thoại cùng Bộ GD-ĐT.
GS.TS Mai Ngọc Chừ - thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt; PGS.TS Lê Anh Vinh - Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá tốt tư tưởng và đóng góp của tài liệu Công nghệ giáo dục trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, giống các ý kiến ở trên, hai chuyên gia đều cho rằng, sách cần được chỉnh sửa để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, bởi chương trình là “pháp lệnh”, sách giáo khoa là tài liệu cụ thể hóa chương trình.
Dành nhiều thời gian trong quá trình trao đổi để nói về quá trình 40 năm nghiên cứu, viết và thực nghiệm tài liệu Công nghệ giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định đây là “công trình khoa học nghiêm túc”, được thực hiện bằng tâm huyết và trách nhiệm của ông với sự nghiệp giáo dục quốc gia. Việc bản thảo SGK Công nghệ giáo dục bị loại khi thẩm định SGK cho chương trình GDPT mới, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định “không oán trách một chút nào các nhà thẩm định” và “không có ý kiến chê bai Hội đồng thẩm định”. Tuy nhiên, cộng sự của GS Hồ Ngọc Đại – PGS.TS Nguyễn Kế Hào thì cho rằng nên tiếp tục sử dụng tài liệu này như trong chương trình GDPT mới. Dẫn ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm về việc nên thẩm định sách Công nghệ giáo dục theo “một cách khác”, PGS.TS Nguyễn Kế Hào đề nghị Bộ GD-ĐT chú trọng đánh giá của thực tiễn trong việc thẩm định các bản mẫu sách giáo khoa.
Lắng nghe các chia sẻ của GS Hồ Ngọc Đại, PGS.TS Nguyễn Kế Hào và các thành viên Hội đồng thẩm định, Bộ GD-ĐT đã thẩm định việc triển khai đề tài nghiên cứu khoa học được GS Hồ Ngọc Đại thực hiện đối với việc giảng dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 chương trình GDPT hiện hành, Bộ GD-ĐT đã thực hiện 2 lần trong năm 2017, 2018. Các kết luận đều khẳng định, đồng ý để tài liệu Công nghệ giáo dục được thực hiện đến khi triển khai chương trình GDPT mới.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
Nghị quyết 88 của Quốc hội đã quy định, các bản thảo sách giáo khoa phải được thẩm định cồng bằng như nhau, do đó nếu thẩm định sách Công nghệ giáo dục theo “một cách khác” là không công bằng với những sách giáo khoa còn lại. Việc sách giáo khoa phải đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới – là chương trình duy nhất, thống nhất trong cả nước, cũng được quy định rõ ràng trong Nghị quyết 88, buộc mọi sách giáo khoa muốn được phê duyệt cho phép sử dụng trong chương trình GDPT mới phải tuân theo.
Cũng tại buổi đối thoại, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nói: “Các ý kiến của Hội đồng thẩm định và đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đều kiến nghị GS Đại điều chỉnh lại sách Công nghệ giáo dục để phù hợp với chương trình GDPT mới và có thể tham gia giảng dạy trong các nhà trường phổ thông. Điều này rất tốt cho ngành giáo dục vì thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa cần huy động các nguồn lực để làm sách và cần nhiều sách giáo khoa hay cho học sinh. Bộ GD-ĐT cũng rất mong muốn với cùng một công thức, một quy trình, một cách thẩm định sách giáo khoa như đã làm với các cuốn sách khác, sách Công nghệ Giáo dục sẽ có cách phù hợp để đưa vào giảng dạy trong các trường học; không phải năm nay thì có thể là những năm sau”.