Chiến thuật đánh nhanh, rút gọn, bất ngờ của Tổng thống Putin có thể nói đã thể hiện được phần nào con người ông, “kín kẽ” đến mức các cố vấn thân cận cũng khó đoán định được Putin đang nghĩ gì.
Ngày 14/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rút “phần lớn các đơn vị quân đội” khỏi chiến trường Syria ngay lập tức. Quyết định của nhà lãnh đạo Nga khiến các nước phương Tây bất ngờ, thậm chí đặt ra câu hỏi: “Ông chủ Điện Kremlin đang tính toán điều gì? Và đâu sẽ là mục tiêu tiếp theo của Moscow?”
Bước lùi thông minh
Chiến dịch chớp nhoáng tại Syria được đánh giá là “nước cờ lạ” của Tổng thống Putin ngay từ trận không kích mở màn tối 30/9/2015: Tấn công dồn dập, sau đó nhanh chóng giảm dần tần suất xuất kích, rồi tiến tới ký thỏa thuận ngừng bắn Syria, và cuối cùng là tuyên bố rút quân.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, quyết định “lui quân” mà nhà lãnh đạo Nga đưa ra tại thời điểm sau khi phe đối lập và chính phủ Syria thông báo tham dự vòng đàm phán mới tại Geneva về vấn đề Syria là một “bước lùi” khôn ngoan. Tổng thống Putin chẳng những đã đạt được thành công lớn trên phương diện ngoại giao, củng cố vị thế và tiếng nói của mình trên chính trường quốc tế, mà còn mang lại những tác động tích cực cho cuộc chiến ở Syria.
Quyết định rút quân của Tổng thống Putin bất ngờ, khó đoán định
Bên cạnh đó, việc những người lính Nga trở về vòng tay người thân toàn vẹn sau quãng thời gian chiến đấu gian khổ ở mặt trận Syria sẽ giúp Tổng thống Putin giành được sự ủng hộ và niềm tin rất lớn của nhân dân trong nước.
Lúc này, nước Nga đang gặp rất nhiều khó khăn, nền kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng, đồng Rúp mất giá, giá dầu giảm…, trong khi Liên minh châu Âu tuyên bố tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt do cáo buộc Moscow có liên quan đến xung đột ở miền đông Ukraine. Việc kéo dài cuộc chiến ở Syria có thể khiến quân đội Nga sẽ phải hứng chịu tổn thất nhiều hơn, thậm chí dẫn đến sa lầy vào một cuộc chiến kiểu Afghanistan như trước kia.
Ông Putin đã đạt được nhiều mục đích: Đưa Nga trở lại trung tâm vũ đài quyền lực toàn cầu; ngăn ngừa về nguyên tắc sự thay đổi chế độ của các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là phương Tây; ghi lại dấu ấn mạnh mẽ hơn tại Syria; triệt tiêu phong trào thánh chiến Nga tại Syria và củng cố quyền lực cho Assad.
Quyết định khó đoán đúng chất điệp viên KGB
Chiến thuật đánh nhanh, rút gọn, bất ngờ của Tổng thống Putin có thể nói đã thể hiện được phần nào con người ông, “kín kẽ” đến mức các cố vấn thân cận cũng khó đoán định được Putin đang nghĩ gì.
“Cách Putin xử sự luôn là một bí ẩn, thậm chí có thể bí ẩn với cả ông ấy”, Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ Gregory Treverton đã đánh giá về Người đàn ông thép xứ Bạch Dương.
Mỹ, Iran, Syria, và Nga - 4 "nhân vật" chính trong ván bài Syria
Nhìn lại, chiến dịch kiểm soát và sáp nhập Crimea vào mùa xuân năm 2014; vụ cấm nhập khẩu thực phẩm châu Âu hè 2014; quyết định hủy bỏ dự án Dòng chảy Phương Nam cuối 2014; và mới nhất là chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria mùa thu 2015… tất cả đều bất ngờ và không hề có dấu hiệu báo trước. Điều này sẽ giúp cho tác động do đó chúng gây tác động lớn nhất có thể.
Tuyên bố của ông Putin hiện nay cho thấy Nga vẫn đang trung thành với chiến lược thoát ra ban đầu và hiện nay đủ tự tin để lui binh. Vấn đề là liệu Nga triệt thoái lực lượng có thể sẽ báo hiệu cho Mỹ rằng họ thoải mái giành “thắng lợi” chống IS. Nhưng đó cũng có thể là một cái bẫy, nếu như người ta xem xét toàn bộ các thất bại của quân đội Mỹ tại Afghanistan và Iraq.
Còn có thực tế là ông Putin đã công khai nói về mục tiêu tái thiết nước Nga thành một cường quốc thế giới. Nên tìm ra kế hoạch tiếp theo của ông về việc này là tùy thuộc vào CIA và các cơ quan do thám khác.
Đối với các điệp viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Tổng thống Putin là một đối tượng… ngoại lệ. Xuất thân là một điệp viên KGB, bên cạnh nhà lãnh đạo Nga lại là những trợ tá đắc lực được đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực phản gián, vậy nên để có thể đoán được ông đang nghĩ gì trong đầu và sẽ làm gì tiếp theo có vẻ như là điều không tưởng.