Chiến dịch truy quét tội phạm ma túy ở Philippines đang vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận thế giới về những hậu quả khôn lường có thể xảy ra. Trong đó, sự phát triển của nghề "săn đầu người" hòng kiếm tiền cũng khiến không ít người rợn tóc gáy.
Theo BBC, hoạt động giết người thuê không phải điều gì quá mới mẻ ở Philippines. Nhưng đội ngũ sát thủ tại quốc gia này chưa bao giờ bận rộn như bây giờ. Bởi kể từ khi ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống, ông đã truyền đi một thông điệp rõ ràng là sẽ tiêu diệt 100.000 tên tội phạm trong 6 tháng đầu tiên nhậm chức tại văn phòng.
Từ đây, chiến dịch truy quét tội phạm ma túy ở Philippines đã tạo ra một chiến trường giữa một bên là tội phạm và một bên là những “thợ săn đầu người”. Không chỉ có riêng cảnh sát, đôi khi những kẻ săn tiền thưởng có thể là một người phụ nữ trẻ tuổi, dáng vẻ đầy lo lắng và đang cố kiếm tiền nuôi con nhỏ.
Chiến dịch truy quét tội phạm ma túy ở Philippines đã tạo ra một chiến trường giữa một bên là tội phạm và một bên là những “thợ săn tiền thưởng”.
Đơn cử là người phụ nữ có tên là Maria. Vì tính chất công việc, cô phải giữ kín danh tính. Maria chỉ là tên giả. Cô hiện tham gia một đội sát thủ gồm ba phụ nữ. Thân phận nữ giới giúp họ có thể tiếp cận các đối tượng cần tiêu diệt dễ dàng hơn và không gây nghi ngờ.
Nhìn Maria với dáng vẻ nhỏ thó, mặt căng thẳng, không ai nghĩ cô lại là một sát thủ chuyên giết người thuê và từng ra tay đoạt 6 sinh mạng. Maria chuyên thực hiện các hợp đồng giết thuê. Người đặt hàng, theo lời cô kể, chính là cảnh sát.
Và hiện giờ cô đang nhận các phi vụ ám sát theo hợp đồng, một phần trong chiến dịch truy quét tội phạm ma túy ở nước này, do tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động.
Cô cho biết, từ khi ông Duterte lên nắm quyền, ra lệnh thẳng tay tiêu diệt những kẻ buôn bán ma túy, cô đã giết thêm 5 người nữa. Tất cả đều bị bắn vào đầu. Mặc dù cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi ở Philippines mang đến cho cô nhiều "hợp đồng" hơn, nhưng đi kèm với đó, rủi ro cũng tăng cao.
Được biết, Maria và chồng xuất thân từ một khu phố nghèo ở Manila. Trước lúc nhận công việc giết thuê, họ không có thu nhập thường xuyên. Hiện tại, với mỗi "hợp đồng" hoàn thành, họ nhận được 20.000 peso (khoảng 430 USD), nhưng số tiền bị chia cho ba đến 4 người. Dù vậy, đây vẫn là cả một gia tài đối với những người thu nhập thấp tại Philippines.
Lần đầu tiên Maria và chồng làm công việc này là khi chồng cô nhận được hợp đồng tiêu diệt một kẻ bán lẻ ma túy từ phía một sỹ quan cảnh sát. Và bây giờ mục tiêu mới nhất của nhóm “thợ săn đầu người” này là ông Roger ở khu Tondo.
Ông Roger bị nghiện Shabu từ lúc còn trẻ khi còn là một công nhân. Sau này, khi mức lương không còn đủ để thỏa mãn cơn nghiện, ông bắt đầu kết nối với những tay cảnh sát biến chất để lấy số ma túy mà họ thu được trong các vụ bắt giữ và tuồn ra ngoài bán. Giờ đây, người này đang phải trốn chui trốn lủi để thoát khỏi cảnh sát và cả những kẻ đi săn lùng ông lấy tiền thưởng.
Những xác người nằm la liệt trên các tuyến phố tại thủ đô Manila
Tại Tondo, khu nhà ổ chuột nằm gần cảng Manila, hầu hết người dân đều ủng hộ chiến dịch diệt trừ tội phạm ma túy do Tổng thống Philippines phát động. Song một số người lo sợ mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát và dân thường vô tội sẽ bị vạ lây.
Vì giờ đây, cái họ nhìn thấy là những xác người nằm la liệt trên các tuyến phố tại thủ đô Manila: những tài xế, những lao động thời vụ, người vô gia cư, người thất nghiệp… không ai rõ liệu họ có phải là nghi phạm ma túy thực sự hay không mà chỉ biết được rằng bên cạnh thi thể họ lúc nào cũng có một tấm biển với nội dung tố cáo.
Theo số liệu từ cảnh sát, 1.900 người đã chết trong các vụ việc liên quan đến ma túy ở Philippines kể từ khi ông Duterte chính thức trở thành tổng thống hồi cuối tháng 6. Trong đó, 657 người do cảnh sát tiêu diệt. Những cái chết còn lại vẫn đang được điều tra.
Trước những con số báo động như vậy, nhưng Tổng thống Duterte vẫn tái khẳng định quan điểm cứng rắn của mình khi lên tiếng bảo vệ hành động giết người bị nghi ngờ là tội phạm mà không qua xét xử.
Tuy nhiên những “thợ săn đầu người” như Maria lại luôn cảm thấy hối hận vì đã lựa chọn nghề sát thủ này. Maria nói, “Tôi cảm thấy có tội và lúc nào cũng lo sợ. Tôi không muốn gia đình những người mà tôi đã giết hại sẽ trả thù tôi”.
Maria cũng lo lắng trước những điều con cái sẽ nghĩ về cô. Cậu con trai lớn từng hỏi Maria vì sao cha mẹ lại kiếm được nhiều tiền như thế. Cô muốn kết thúc công việc "đâm thuê giết mướn" này, nhưng ông chủ đe dọa sẽ thủ tiêu bất kỳ ai muốn rời bỏ đội. Giờ đây, cô đang bị mắc kẹt, cô chỉ biết đến nhà thờ để xưng tội, nhưng lại không dám nói ra tội ác mà mình phạm phải với cha xứ.