Rừng Quốc gia Yên Tử được ví như một bảo tàng lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, tuy nhiên, cơn bão số 3 đổ bộ trực tiếp đã làm cơ sở hạ tầng nơi đây bị hư hại nặng, cây xanh gãy đổ hàng loạt.
Rừng Quốc gia Yên Tử thuộc địa bàn xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Với diện tích 2.783ha, nơi đây được ví như một bảo tàng lưu giữ, bảo tồn nhiều nguồn gen quý hiếm và một hệ sinh thái đa dạng trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam.
Đặc biệt, rừng Quốc gia Yên Tử còn ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh gắn liền với sự nghiệp tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông - người đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, hay còn gọi là Phật giáo của Việt Nam.
Theo các nhà động, thực vật khảo sát nghiên cứu, trong rừng Quốc gia Yên Tử có 5 ngành thực vật, với 830 loài. Trong đó, 38 loài thực vật đặc hữu quí hiếm như: Lim xanh, Táu mật, Lát hoa, Thông tre, La hán tùng, Vù hương, Kim giao...
Ngoài ra, hệ động vật cũng đa dạng và phong phú với tổng số loài động vật ở cạn có xương sống là 151 loài. Trong đó, thú có 35 loài, chim có 77 loài, bò sát có 34 loài, lưỡng thể có 15 loài.
Đáng chú ý, một số loài động vật được xếp vào sách đỏ Việt Nam cần bảo vệ như: Voọc mũi hếch, Sóc bay lớn,... có giá trị cao về bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu khoa học, giáo dục và du lịch.
Không chỉ vậy, hệ thực vật ở rừng Quốc gia Yên Tử còn có một số loài cây có tuổi đời từ 300-700 năm. Với giá trị vốn có của mình cùng với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, Yên Tử đã đón tiếp hàng vạn du khách trong và ngoài nước về hành hương, tham quan lễ Phật mỗi năm.
Tuy nhiên, cơn bão số 3 (tên gọi quốc tế YAGI) đổ bộ trực tiếp Quảng Ninh vào ngày 7/9 đã gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội và con người.
Theo ghi nhận của PV, đến ngày 15/9 (sau hơn 1 tuần bão tan), mặc dù cán bộ, người lao động thuộc Ban Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử đã cố gắng dọn dẹp, cưa cắt cây xanh đổ bật gốc, tích cực khai thông lối đi cho khách tham quan, nhưng khối lượng công việc hiện còn khá lớn.
Dọc tuyến đường từ cửa rừng Quốc gia Yên Tử lên chùa Đồng khoảng 10km, nhiều cây xanh bị bật gốc nằm chắn ngang đường, cản trở lối đi bộ của khách hành hương. Xót xa hơn, nhiều cây cổ thụ có tuổi đời khoảng 100-200 năm bị bão thổi bay, thân cây đè lên tháp tích thường xuyên có du khách đến thắp hương, hành lễ.
Ông Lê Tiến Dũng - Trưởng Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử cho biết: Trước khi bão số 3 vào đất liền Quảng Ninh, UBND TP. Uông Bí đã chỉ đạo Ban quản lý rừng Yên Tử thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bão, đảm bảo tính mạng con người, di tích và tài sản.
Rất may khi bão ập đến, do lường trước được chân núi chùa Giải oan có nguy cơ bị sạt lở, nên Lãnh đạo ban quản lý rừng Yên Tử đã yêu cầu 2 cán bộ túc trực chống bão ngay lập tức rời khỏi căn nhà khung thép mái tôn rộng khoảng 12m2, tránh được hậu quả đáng tiếc.
Ông Dũng cho hay, Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử có tổng số 65 cán bộ và người lao động. Quân số túc trực phòng, chống bão số 3 được bố trí đảm bảo chuyên môn, chức năng, nhiệm vụ, phù hợp từng hoàn cảnh của người lao động.
Sau khi bão tan, đơn vị ngay lập tức bố trí 40 người tiến hành cưa cắt cây xanh, khuân vác, dọn dẹp những cây xanh nặng hàng tấn nằm chắn ngang lối lên chùa Đồng, 25 nhân sự còn lại phụ trách công việc quản lý chuyên môn.
Tuy khối lượng công việc khá lớn, nhưng với tâm huyết và sự cố gắng, tập thể người lao động tại đơn vị đã cơ bản dọn đường cho khách tham quan đi bộ hoặc leo cáp treo lên Yên Tử từ ngày 9/9 sau khi đã kiểm tra, khảo sát an toàn.
Theo ông Trương Văn Định, hơn 1 tuần phòng chống, dọn dẹp bão số 3, nhiều cán bộ không có thời gian cùng gia đình sửa chữa nhà cửa hư hỏng, bởi công việc tại rừng Quốc gia Yên Tử còn khá ngổn ngang, đòi hỏi phải khẩn trương hết sức.
"Thế nhưng, việc khắc phục hậu quả sau bão chủ yếu dùng sức người, đòi hỏi người làm phải leo trèo khéo léo, xoay sở phạm vi hẹp, nên thiết bị máy móc lớn không thể tiếp cận hiện trường gãy đổ", ông Trương Văn Định chia sẻ.
Anh Trần Tuấn Minh - hướng dẫn viên đoàn khách du lịch Hàn Quốc bộc bạch: Đoàn du khách Hàn Quốc hơn 40 người sau khi đi bộ, leo cáp treo tham quan Yên Tử rất hào hứng, trầm trồ với khung cảnh thiên nhiên rừng Quốc gia Yên Tử thật hùng vĩ. Trong quá trình di chuyển, nhiều du khách tiếc nuối vì một số cây xanh lớn có đường kính hơn 1m bị gãy đổ, hạ tầng bị hư hỏng sau bão.
Sau khi bão tan, nhiều du khách trong và ngoài nước vẫn muốn khám phá Yên Tử, chiêm ngưỡng cảnh cảnh quan thiên nhiên. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (26 tuổi), du khách đến từ Hà Nội bày tỏ thán phục ý chí của con người nơi đây trước thiên tai bão gió. Trên đường dẫn lên chùa Hoa Yên, nhiều cây xanh "khổng lồ" gãy đổ chắn ngang lối đi bộ, nhưng sức người vẫn cần mẫn miệt mài, cưa cắt, dọn dẹp cây cối để đảm bảo an toàn cho khách tham quan.
"Đứng cạnh thân cây cổ thụ cao vài chục mét bị gãy đổ, con người trở nên bé nhỏ giữa thiên nhiên hùng vĩ, nhưng ý chí kiên cường của người lao động hăng say làm việc, những giọt mồ hôi thầm lặng rơi thì thực sự phi thường", du khách Cao Quốc Minh nói.