Là một dân tộc đã từng có một quốc gia độc lập, hùng mạnh trong lịch sử, có nền văn hóa phát triển, có lẽ, cộng đồng người Chăm ở Việt Nam là một trong số ít những dân tộc bảo tồn tốt nhất nền văn hoá khác biệt của dân tộc mình giữa cuộc sống đương đại.
Văn hoá trong cộng đồng làng
Có một điều đặc biệt là dù đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử song cộng đồng người Chăm vẫn bảo lưu được rất nhiều những nét văn hóa cổ xưa. Từ phương thức canh tác, cơ cấu tổ chức xã hội đến các tập tục truyền thống đậm nét như cúng tế đền tháp, cưới hỏi, ma chay, chữ viết… Họ vẫn sống quần cư thành từng làng Chăm riêng biệt và chính cộng đồng làng nhỏ bé, bình dị này là chiếc nôi gìn giữ cho văn hoá Chăm có được sự khác biệt trong nền văn hoá đa dạng, phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trẻ em Chăm bây giờ vẫn được tiếp cận với tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Được chia thành hai nhánh, nhóm Chăm Tây (người Chăm theo đạo Hồi) sử dụng chữ Ả Rập và Mã lai để trao đổi, ghi chép và học tập giới luật, kinh thánh Koran. Ngược lại, nhóm Chăm Đông thì sử dụng chữ Thrah và coi đây là loại chữ truyền thống của mình. Nhà thơ Irasara Phú Trạm - nổi tiếng với các tập thơ giàu giá trị biểu đạt của ngôn ngữ và những bài nghiên cứu sâu sắc về chữ viết của dân tộc mình đã từng bày tỏ niềm tự hào khi người Chăm có được những báu vật vô giá và nhận định: “Sự ra đời sớm của chữ viết đã tạo điều kiện cho văn học viết của người Chăm phát triển. Chính chữ viết đã cho người Chăm có một nền văn minh rực rỡ và độc đáo một thời”. Hiện nay, dòng văn học bằng tiếng Chăm đã bắt đầu hồi sinh và phát triển với các nhà thơ đương đại như: Inrasara, Đồng Chuông Tử, Trà Vigia, Nguyễn Phú Hải, Tuệ Nguyên…
Niềm tự hào lớn nhất của người Chăm chính là những ngôi tháp cổ kính được xây dựng bằng đất nung độc đáo, trong đó có tòa tháp đôi ở gần đường Trần Hưng Đạo, cửa ngõ vào TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tháp Đôi Quy Nhơn tọa lạc tại làng Hưng Thạnh xưa, bây giờ thuộc phường Đống Đa, cách trung tâm thành phố chừng 3km về phía Tây Bắc. Gần tháp Đôi là cầu Đôi trên Quốc lộ 19, bắc qua nhánh sông từ hồ đèo Son chảy ra đầm Thị Nại.
Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp luôn thu hút khách tham quan, du lịch
Tháp Đôi cũng như các tháp Chàm khác ở Bình Định, là một di tích văn hóa nghệ thuật mang màu sắc tôn giáo của người Chăm xa xưa. Các tháp có niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Tháp cấu trúc khá độc đáo, đặc biệt là kỹ thuật mài giũa, lắp ghép các tảng đá chồng khít lên nhau rất vững chắc. Quanh tường phía ngoài, các góc và trên nóc tháp có nhiều bức phù điêu chạm khắc các hình tượng thần, chim, thú thần theo tín ngưỡng của người Chăm rất sinh động. Tháp Đôi một lớn, một nhỏ đứng gần kề nhau như cặp vợ chồng quấn quýt. Tháp đã bị chiến tranh và thời gian tàn phá khá nặng nề.
Được sự giúp đỡ của các chuyên gia Ba Lan và các chuyên gia khảo cổ trong nước, vào những năm cuối thế kỷ trước, tháp Đôi đã được trùng tu, tôn tạo bởi những người thợ tài hoa ở Quy Nhơn. Sau gần 3 năm miệt mài đục đẽo, tạo tạc với kỹ thuật mài gạch, lắp ghép khá thành công, họ trả lại gần như dáng vẻ ban đầu của tháp. Tháp Đôi Quy Nhơn không chỉ là nơi để các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Đông Nam Á, văn hóa Chăm tiếp tục công việc mà còn là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở Bình Định. Đến giờ, những nét chạm trổ, đắp nặn tài hoa này vẫn hiện hữu ít nhiều trong từng tác phẩm tuyệt mỹ của các làng gốm truyền thống của người Chăm.
Bên trong Tháp Đôi có thờ Linga và Yoni, tượng trưng cho sự phồn thực, sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu, con đàn cháu đống. Trong quan niệm của người Chăm thì Linga là hình tượng của thần Siva, một vị thần quan trọng của Ấn Độ giáo (Siva - Brahma - Visnu). Trong thần thoại Ấn Độ, hình tượng khởi đầu của Siva là cột lửa hình Linga dưới hình thức dương vật, mang tính dương. Song, để sáng tạo được thì cần có âm tính, cho nên người xưa đã thêm cái bệ hình âm vật (Yoni). Từ đó, tín ngưỡng Linga - Yoni (âm dương kết hợp, tạo ra sự hủy diệt và tái sinh của vũ trụ.) bắt đầu phổ biến trong dân chúng.
Mỗi người Chăm sinh sống trong cộng đồng làng của mình đều có ý thức trân trọng việc tế lễ thần linh tại các đền Tháp và những điệu múa cổ xưa nhất thường được trình diễn trong các lễ hội. Mỗi làng đều có những đội múa riêng cùng dàn nhạc đệm là trống Ba-ra-nưng và kèn Sa-na-rai. Nếu có dịp tham gia một đám cưới hay lễ hội của một làng Chăm nào đó, người ta sẽ dễ dàng nhận thấy ở những chủ nhân nơi ấy luôn mang trong mình một tâm hồn văn nghệ dân tộc đặc biệt. Họ trân trọng và nuôi dưỡng, truyền thụ lại dòng máu ấy cho các thế hệ sau chính tại ngôi làng mà cha ông để lại.
Bảo tồn và mưu sinh
Nhưng dường như hơn ai hết, chính những người Chăm đã linh cảm thấy những biến đổi ngầm tạo nên nhiều nếp gãy trong văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Dù trân trọng di sản cha ông để lại, nhưng họ cũng không tránh khỏi áp lực của việc mưu sinh nên việc bảo tồn vốn cổ cũng vì thế mà ít nhiều bị ảnh hưởng. Đơn cử như dệt thổ cẩm vốn là nghề truyền thống của người Chăm. Những tấm khăn, cái áo làm ra được coi là thước đo của sự đảm đang tháo vát của các cô gái Chăm song các thiếu nữ Chăm hiện đại không còn thực sự coi trọng điều này. Thứ nhất là do trang phục truyền thống không còn phù hợp với phong cách sống hiện đại của người Chăm trẻ, thứ hai là sản phẩm không tìm được đầu ra ngay cả với tư cách là một sản phẩm du lịch. Các làng nghề dệt thổ cẩm như Mỹ Nghiệp, Châu Giang, Chung Mỹ dẫu đã được chính quyền sở tại đầu tư khá lớn nhưng cũng khó tránh được sự thua lỗ bởi có quá nhiều sản phẩm “nhái” với giá rẻ hơn và chất lượng cũng thấp hơn nhiều lần.
Nghề làm gốm từng là niềm tự hào của người Chăm cũng đang đối mặt với muôn vàn cái khó. Làng Chăm Bầu Trúc duy nhất có nghề làm đồ gốm từ lâu đời và sản phẩm của làng còn được trao đổi rộng rãi với nhiều vùng và nhiều tộc người khác nữa.
Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh Phú Yên, trong đó có dân tộc Chăm, nhạc sĩ Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Phú Yên lại bày tỏ lo lắng trước việc bảo tồn các nghệ nhân, tạo môi trường và cơ hội để họ có thể truyền lại các bí quyết của mình một cách tốt nhất. Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm đích đáng và chính thế hệ sau của cộng đồng dân tộc này cũng chưa coi trọng.
Tháp Đôi ở TP. Quy Nhơn
Năm 2012, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đưa “Nghệ thuật làm gốm của làng Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận” vào một trong 12 di sản cần lập hồ sơ để đệ trình UNESCO công nhận là di sản cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Song, vấn đề bảo tồn làng gốm này cũng đang có nhiều mâu thuẫn. Về lĩnh vực kinh tế, với mong muốn tạo điều kiện để bà con phát triển có thu nhập ngày càng cao bằng nghề làm gốm, các nhà quản lý ở Ninh Thuận đã đưa ra nhiều phương án, đề án như đưa công cụ máy móc hiện đại vào các công đoạn sản xuất gốm.
Ngược lại, về lĩnh vực văn hoá, với trách nhiệm bảo tồn nghề truyền thống, quan điểm này không được đồng tình bởi nghề gốm Bàu Trúc nổi tiếng bởi phương pháp thủ công, thô sơ, bởi tính độc bản của sản phẩm gốm và gần đây là những sản phẩm gốm mỹ nghệ. Việc bảo tồn phương pháp thủ công từ hàng nghìn năm trước mà cho đến nay, người dân Chăm Bàu Trúc vẫn còn lưu giữ được là điều rất cần thiết nhưng tính kinh tế lại thấp vì sản phẩm gốm này ngày càng ít người sử dụng và rất khó tiêu thụ, khó có thể cạnh tranh với các mặt hàng gốm sứ công nghiệp.
Đứng trước bài toán phải lựa chọn giữa bảo tồn và mưu sinh của cộng đồng dân tộc Chăm, thì vấn đề “nhận thức của chủ thể văn hoá” lại được các nhà nghiên cứu và chức sắc của ngành văn hoá nhắc đến nhiều hơn. Người Chăm từ lâu đã rất tự hào với nền văn hoá của mình nên việc khuyến khích họ coi trọng hơn nữa di sản dân tộc không phải là vấn đề khó khăn. Nhưng nếu chỉ khuyến khích, hô hào suông thì không khác gì đặt trọng trách lên vai họ và để mặc họ phải trăn trở, băn khoăn tìm cách để “vẹn cả đôi đường”.
Tất nhiên, nếu phải lựa chọn một trong hai thì khó có ai vượt qua được những cam khó đời thường để bền bỉ theo nghề. Thế nên, việc làm thế nào để biến gốm cổ, thổ cẩm và các điệu múa, khúc hát Chăm trở thành sản phẩm hàng hoá có giá trị, tạo cho người dân làng nghề có thể sống được bằng nghề thì cần lắm sự chung tay của toàn xã hội. Và trên hết, vấn đề bảo tồn các giá trị văn hoá từng tạo nên một diện mạo văn hoá Chăm không thể bị trộn lẫn cùng các nền văn hoá khác là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Bởi trong xu thế hội nhập toàn cầu, văn hóa Chăm cũng như các nét văn hóa của các dân tộc khác đã và đang đứng trước nguy cơ ngày càng mai một.