Đời sống

Rộn ràng, ấm áp Lễ tế Tổ Rằm tháng Giêng các miền quê

Nguyễn Liên 24/02/2024 - 10:24

Tết Nguyên tiêu được người xưa tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng, có vật phẩm dâng cúng Trời - Phật - Thánh một cách thành kính, nên cũng gọi là lễ Cúng Rằm tháng Giêng. Tại Nghệ An, các miền quê từ đêm 14 và ngày 15 rộn ràng, ấm áp con cháu quy tụ về các dòng họ để tế Tổ vào dịp Rằm tháng Giêng như một mỹ tục đẹp được lưu truyền hàng trăm năm nay...

Tết nguyên tiêu là đêm trăng đầy nhất của tháng đầu tiên trong năm, đêm trăng sáng khởi đầu của một năm mới với hương khí tinh nguyên của tiết trời ấm lành, tràn đầy sức sống mùa Xuân. Miền đất Nghệ An vốn nổi tiếng hiếu học, đạo lễ, hiếu kính tổ tiên, những ngày này dọc những con đường về các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn,… con cháu từ người già đến những em bé quy tụ trở về nhà thờ họ, rộn ràng tiếng trống tế trong dịp Rằm tháng Giêng. Tiếng trống, làn khói hương như nhịp cầu nối linh thiêng kết nối tâm nguyện, lòng thành của con cháu với tổ tiên, là nét văn hóa truyền thống neo giữ tâm hồn con người với nguồn cội….

Đặc biệt, nhiều dòng họ tổ chức tế Tổ với quy mô lớn, tập trung đông đảo con cháu về dâng hương, dâng lễ bày tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà, tổ tiên. Đây cũng là dịp để các thế hệ trong dòng họ thể hiện tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn và hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Ở Nghệ An có nhiều dòng họ nổi tiếng, như: Họ Hồ, họ Dương ở Quỳnh Lưu; Họ Trần Đức, họ Ngô, họ Cao ở Diễn Châu; họ Phan ở Yên Thành; họ Nguyễn Cảnh, họ Thái, Hoàng Thế ở Đô Lương; họ Nguyễn Đình ở Nghi Lộc; họ Nguyễn Trọng ở Nam Đàn; họ Nguyễn Sỹ, họ Đặng ở Thanh Chương… Cống hiến của những dòng họ đó đã góp phần to lớn tạo nên diện mạo văn hoá các dòng họ xứ Nghệ.

Họ Hồ ở Quỳnh Đôi là một trong ba dòng họ khai cơ vùng đất này. Làng Quỳnh Đôi không chỉ là một làng khoa bảng của xứ Nghệ, mà còn nổi tiếng khắp nước, đã đi vào câu ca “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi” (ở Bắc Hà có làng Hành Thiện, ở Nghệ An có làng Quỳnh Đôi).

tran-duc-2-(1).jpg
Lễ tế Tổ tại nhà thờ họ Trần Đức, xã Yên Sơn (Đô Lương). Ảnh: CSCC
tran-duc-1-.jpg
Con, cháu dòng họ Trần Đức dâng lễ, dâng hương trước ban thờ tổ tiên. Ảnh: CSCC

Trong lịch sử dân tộc, thời đại nhà Trần được đánh giá là thời đại phát triển rực rỡ của non sông Đại Việt. Vào thế kỷ XIII - XIV, 14 vị Hoàng đế nhà Trần đã làm rạng danh cho non sông đất nước. Đến nay, hàng triệu các con cháu nhà Trần đã tiếp bước tổ tông đã phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tích cực xây dựng và phát triển dòng họ tiêu biểu, làm rạng danh công đức tiên tổ dòng tộc.

Họ Trần Đức là một trong những chi tộc ở làng Thanh Bích - huyện Diễn Châu, nay là xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Một chi ở Thanh Bích - Phủ Diễn - Nghệ An đã sinh cơ lập nghiệp cho đến ngày nay (họ Trần Đức - xã Diễn Bích- huyện Diễn Châu - tỉnh Nghệ An).

Còn với dòng họ Trần Đức ở xã Yên Sơn (Đô Lương), việc tế lễ diễn ra từ chiều và đêm 14/1 âm lịch. Con cháu lần lượt mang lễ vật dâng lên trước ban thờ bày tỏ niềm thành kính và cầu mong tổ tiên phù hộ những điều may mắn, tốt đẹp trong cuộc sống.

Ở huyện Yên Thành, hầu hết các dòng họ đều tế Tổ vào Rằm tháng Giêng, nên ngày này khắp làng xóm đều rộn ràng, náo nức. Đặc biệt, dịp này một số nơi còn tổ chức hội thi đánh trống tế giữa các dòng họ khiến không khí ngày Tết Nguyên tiêu càng thêm rộn ràng.

Các dòng họ cử đội trống tế của mình tham dự hội thi, đội nào đoạt giải thưởng sẽ là niềm vui chung của cả họ, cũng là niềm hy vọng về sự đủ đầy, sung túc trong năm. Vì thế, không khí ngày Tết Nguyên tiêu ở quê lúa Yên Thành không kém phần vui vẻ so với những ngày đón Tết Nguyên đán.

ho-hoang-1-(1).jpg
Nghi thức Lễ tế tổ họ Hoàng Thế tại xã Xuân Sơn - Đô Lương - Nghệ An đêm 14 và rạng sáng ngày 15/1

Dòng họ Hoàng Thế là một dòng có có truyền thống lâu đời tại xã Xuân Sơn (Đô Lương). Ông Hoàng Thế Mai, Trưởng tộc cho biết: Dòng họ bao gồm 1 nhà thờ đại tôn và nhà thờ tiểu chi. Theo thông lệ hàng năm, vào dịp Tết Nguyên tiêu, hội đồng gia tộc tổ chức tế Tổ, con cháu các chi họ chuẩn bị mâm cỗ đến nhà thờ đại tôn để tế lễ. Bài tế hướng tới ca ngợi công đức của tổ tiên và tấm lòng hiếu thuận của đời đời con cháu.

Tại những buổi tế lễ, con cháu được nghe về cội nguồn, lịch sử hình thành của dòng họ, những bậc tiền nhân có nhiều công trạng với dân, với nước. Từ đó, bồi đắp niềm tự hào về truyền thống của tổ tiên đã dày công vun đắp, hướng con cháu nâng cao ý chí, quyết tâm trong học tập, lao động sản xuất, xứng đáng với những đóng góp của thế hệ đi trước.

Xong nghi lễ tế Tổ, mâm cỗ được đưa từ nhà thờ đại tôn về nhà thờ các tiểu chi để con cháu vui sum vầy, đoàn tụ. Trong bữa cơm thân tình, mọi người đều thể hiện niềm vui hội ngộ, cùng nhau chia sẻ những tâm tình, nỗi buồn, vui để cùng nhau đoàn kết, xây dựng dòng họ, quê hương thêm đẹp giàu.

Ông Hoàng Thế Kỳ, một người con của dòng họ Hoàng Thế, hiện sinh sống, làm việc ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An), chia sẻ: Nếu Tết Nguyên Đán là dịp con cháu trở về vui vầy, thì Rằm tháng Giêng có ý nghĩa lớn về tâm thức. Từ bé tôi theo cha về Đô Lương lễ tế Tổ, đến giờ tôi đưa con tôi, cháu tôi về. Theo ông Kỳ, khi bước chân vào khuôn viên nhà thờ đại tôn, nghe tiếng trống tế, gặp những người hành lễ trong bộ lễ phục trang nghiêm, trong cảnh khói hương trầm mặc, có cảm giác như tổ tiên ở rất gần và đang dõi theo con cháu. Những buổi lễ tế Tổ góp phần lưu giữ tinh thần hướng về cội nguồn, coi trọng tôn ti trong quan hệ gia tộc. Quan hệ huyết thống là quan hệ theo hàng dọc, theo thời gian, đây chính là cơ sở của tôn ti, trật tự trong dòng họ”.

Chính bởi tinh thần này, người Việt Nam coi trọng dòng họ, tộc trưởng, nhà thờ họ, gia phả, ruộng kị, giỗ họ, giỗ tổ, mừng thọ... Đặc biệt, ở Nghệ An, điều đó càng có ý nghĩa quan trọng. Với người Nghệ, ngày giỗ họ là sự kiện trọng đại với mỗi cá nhân, gia đình, dòng tộc. Dù là hạng cùng đinh cũng không bao giờ quên ngày giỗ họ. Các phần mộ, các nghi lễ phụng thờ được ghi chép và lưu truyền cẩn thận cho con cháu.

ho-hoang-3-(1).jpg
Lễ tế tổ được các chi trong họ thực hiện trang trọng, thành kính

Bên cạnh đó, văn hóa dòng họ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách của mỗi cá nhân trong gia đình dòng tộc, trước hết là trong cung cách đối xử với những người cùng máu mủ. Đối với gia đình, gia tộc thì phải lấy chữ “Hiếu” làm đầu.

Văn hoá dòng họ là những giá trị thiêng liêng sâu thẳm trong tâm khảm của các thế hệ. Ở Nghệ An, vùng đất từng là miền biên viễn trong lịch sử, nơi thiên nhiên và khí hậu khắc nghiệt đã rèn luyện, hun đúc nên sự kiên trung, khí phách gan cường của người dân và tính cố kết chặt chẽ của dòng họ, xóm làng. Cũng như những nét chung của văn hoá dòng họ Việt Nam, các dòng họ xứ Nghệ là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, tạo nên đặc trưng văn hoá các dòng họ. Các yếu tổ nổi bật trong văn hoá dòng họ của Nghệ An như tinh thần hướng về cội nguồn, coi trọng tôn ti trật tự, sự giáo dục nhân cách của các thành viên trong dòng họ, dòng chảy truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rộn ràng, ấm áp Lễ tế Tổ Rằm tháng Giêng các miền quê