Một quả rocket rơi gần Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq) vào sáng sớm ngày 19/5, AFP dẫn các nguồn tin an ninh cho biết.
Đây là quả rocket đầu tiên rơi xuống khu vực được bảo vệ an ninh chặt chẽ này trong vài tuần qua.
Nguồn tin cho biết, có thể nghe thấy tiếng nổ ở khắp thủ đô Baghdad và tiếng còi báo động ở khu vực Đại sứ quán Mỹ. Rất may, vụ nổ không gây thương vong về người.
Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ nổ nói trên.
Lực lượng chống khủng bố của Iraq đứng canh gác bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad
Động thái trên xảy ra sau hơn 20 cuộc tấn công tương tự nhằm vào các lợi ích của Mỹ ở Iraq kể từ tháng 10 năm ngoái mà Washington cho rằng các vụ tấn công đều do Iran và các nhóm vũ trang do nước này hậu thuẫn tiến hành.
Thời gian qua, các căn cứ quân sự có quân đội Mỹ đồn trú và các cơ sở khác của Mỹ trên khắp Iraq cũng thường xuyên trở thành mục tiêu của các vụ tấn công bằng súng cối và rocket.
Hôm 26/1, 5 quả đạn pháo phản lực đã rơi xuống khu vực Vùng Xanh có đại sứ quán Mỹ tại Baghdad (Iraq), làm 3 người bị thương. Trong số đó, có 3 quả đạn pháo phản lực đã bắn trúng đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.
Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó đã kêu gọi chính quyền Iraq tuân thủ nghĩa vụ bảo vệ an ninh, an toàn cho các cơ sở ngoại giao. Cơ quan này cho biết đã có hơn 14 vụ tấn công nhắm vào người Mỹ tại Iraq từ tháng 9/2019.
Hơn 5.000 binh sĩ Mỹ đã được triển khai tới Iraq để hỗ lực các lực lượng nước này trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tập trung ở công tác huấn luyện và cố vấn. Sau vụ tấn công và tiêu diệt Tướng Iran Soleimani hồi tháng 1/2020, Quốc hội Iraq cũng đã yêu cầu quân đội Mỹ rút quân.
Tuy nhiên, phía Mỹ khẳng định hoạt động rút quân khỏi một số căn cứ quân sự ở Iraq trong thời gian gần đây chỉ là để tái điều động lực lượng tới những cơ sở chiến lược. Do đó, yêu cầu rút quân của Quốc hội Iraq vẫn chỉ đang nằm trên bàn thảo luận của liên quân Mỹ. Trong khi đó, một số quốc gia thành viên trong liên quân Mỹ đã cho rút binh sĩ về nước trước mối lo ngại về đại dịch Covid-19.