Nhiều câu chuyện về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của đảng viên trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các cán bộ Đoàn chia sẻ trong chuỗi hoạt động tổng kết "Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác".
Là một trong 5 diễn đàn đợt hoạt động cao điểm “Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác”, các đảng viên trẻ tiêu biểu trên toàn quốc đã cùng bàn về chủ đề “Đảng viên trẻ tiên phong rèn luyện các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” vào chiều 26/8 tại Hà Nội.
Tại đây, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm rèn luyện các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để trở thành những đảng viên trẻ “vừa hồng vừa chuyên” đúng như mong muốn của Bác trong Di chúc.
Phát biểu tại diễn đàn, Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn Nguyễn Bình Minh cho rằng, để việc tiên phong rèn luyện các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đạt được hiệu quả cao thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên trẻ phải thực hiện nói đi đôi với làm. Đây chính là phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh.
“Chúng ta thấy mình không những phải cố gắng nhiều hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa trong rèn luyện, học nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý, mà còn phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, để đóng góp nhiều hơn cho đất nước”, anh Nguyễn Bình Minh nói.
Hơn 100 đảng viên trẻ tham gia diễn đàn “Đảng viên trẻ tiên phong rèn luyện các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Ảnh: Vũ Thơ
Tham luận tại diễn đàn, anh Dương Phước Vinh - Cán bộ Đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (tỉnh Đồng Nai) nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng vai trò của tiết kiệm trong tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân.
Ngoài tiết kiệm sức lao động, thời gian, tiền của, trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện một số nội dung khác, như tiết kiệm sức dân, tiết kiệm nhân tài, tiết kiệm lời nói… Cụ thể là tiết kiệm lời nói, với các tập thể và cá nhân, phải “nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động”, “nói thì phải làm”, “nói ít, bắt đầu bằng hành động”…
Trong khi đó, theo anh Vinh, hiện nay một bộ phận thanh niên chưa quan tâm đúng mức việc chăm lo bảo vệ sức khỏe, đang lãng phí trí tuệ, chưa cống hiến xứng đáng cho xã hội. Có nhiều đảng viên trẻ mua sắm vật dụng, phương tiện cá nhân đắt tiền quá khả năng tài chính của bản thân; phung phí, đầu tư tiền bạc, công sức không cần thiết vào một số việc làm vô bổ, thiếu thiết thực, trong khi đang cần đầu tư cho việc học tập, nghiên cứu chuyên môn, lập nghiệp.
Đối với vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của đảng viên trẻ, anh Vinh đi thẳng vào việc tiết kiệm thời gian trong công việc hàng ngày và nâng hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, cần thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày, ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng nhằm góp phần giảm thiểu chi phí; có ý thức tái sử dụng các nguyên vật liệu, hạn chế chất thải làm ô nhiễm môi trường; tích cực xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, có hành động tích cực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.
Cũng chia sẻ về việc thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, học viên Hà Kiều Trang - Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng, cách tốt nhất là tập luyện “cần, kiệm, liêm, chính” hàng ngày. Phải làm sao cho bốn đức này thường xuyên được rèn luyện, thường xuyên được thể hiện, bởi có như vậy thì công việc mới được hiệu quả, và mới có tác dụng nêu gương cho quần chúng.
Mỗi ngày chúng ta làm thêm một việc tốt, mỗi ngày chúng ta khắc phục được một nhược điểm, dần dần sẽ trở thành một thói quen, một nhu cầu văn hoá, đó là phải chăm chỉ, chủ động, sáng tạo trong công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm; phải tiêu dùng hợp lý, không tham lam, lãng phí; minh bạch thông tin, trong sạch, chính trực, ngay thẳng, trung với nước, hiếu với dân.
“Tất nhiên, từ bỏ thói xấu của bản thân, chống chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện “cần, kiệm, liêm, chính” sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng thay vì vội vã bỏ cuộc, mỗi đảng viên trẻ chúng ta hãy cùng ôn lại, nhớ lại những câu chuyện về Bác, về cách ứng xử, cách sống của Bác, để ta có thêm động lực tinh thần rèn luyện đức và tài”, Kiều Trang nói.