Rào cản nào khiến dự án PPP khó triển khai?

T.Nhi| 02/11/2020 16:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, thách thức lớn nhất hiện nay đối với các nhà đầu tư dự án PPP là huy động vốn tín dụng cho các dự án.

Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, hơn 2 năm qua đã phát sinh những vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến tại các dự án BOT, đến nay chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ phát sinh nợ xấu, phải chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại khoản vay... gây rủi ro, tạo áp lực rất lớn cho các tổ chức tín dụng.

Hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này.

Sau khi có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, các ngân hàng thương mại mới thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của các nhà đầu tư, rồi mới quyết định việc cung cấp tín dụng cho các dự án.

ppp.jpg
Ảnh minh họa

Theo Bộ GTVT, ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng, cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án.

Liên quan đến vấn đề triển khai dự án, hôm nay 2/11, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề liên quan đến triển khai dự án theo phương thức đối tác công-tư (PPP).

VARSI cho biết: Thách thức lớn nhất hiện nay đối với các nhà đầu tư dự án PPP là huy động vốn tín dụng cho các dự án. Điển hình như các dự án thành phần PPP trên tuyến cao tốc Bắc-Nam.

Thực tế trong 5 dự án PPP của cao tốc Bắc-Nam có 4 dự án đã có nhà đầu tư nộp hồ sơ, riêng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư tham gia. Nguyên nhân là do các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, các dự án PPP hạ tầng giao thông có mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng.

VARSI cũng kiến nghị cần bảo đảm sự bình đẳng giữa cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư. Quy định pháp luật trong đầu tư PPP đặt quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư bình đẳng, hài hoà lợi ích các bên. Đáng nói VARSI cho rằng thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong việc thực hiện các cam kết của cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư trong hợp đồng dự án. Tại một số dự án cơ quan Nhà nước không thực hiện đúng cam kết, làm ảnh hưởng đến dự án khiến cả nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng phải chịu tổn thất.

Đại diện VARSI nhấn mạnh, với việc Luật PPP có hiệu lực từ 1/1/2021, cộng đồng các nhà đầu tư rất mong đợi những quy định của luật sẽ tạo ra bước đột phá trong thu hút nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng những năm tới. Chỉ khi cơ chế của phương thức PPP là các bên cùng có lợi, cùng phát triển, tạo dựng được niềm tin, thì mới kêu gọi được thêm vốn trong dân, vốn từ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để cùng thực hiện dự án PPP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rào cản nào khiến dự án PPP khó triển khai?