Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau!

Biên Thùy| 18/03/2020 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước những nguy cơ của Covid-19 thì đồng thời là cơ hội để chúng ta lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp, những hành động nhân văn, đức tính vị tha, giàu tình cảm của người Việt.

"Chúng ta kêu gọi mỗi người dân, giới doanh nhân, các đơn vị tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức góp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng...Không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng, kể cả bà con ở nước ngoài xa xôi.

Hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách của dân tộc, điều bao đời nay luôn là giá trị nền tảng của dân tộc Việt Nam và đem lại sức mạnh để chúng ta vượt mọi khó khăn thử thách, đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Trên đây là lời hiệu triệu phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi lễ do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 17/3.

Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19

Cuộc chiến "chống giặc Covid -19” ở Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới với những diễn biến phức tạp. Cả hệ thống chính trị, mọi tổ chức, mỗi công dân đều chung tay góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Dù đã huy động rất nhiều nguồn lực chống dịch nhưng gian nan còn ở phía trước. Bởi vậy, chúng ta cần có thêm nữa những nguồn lực mới để hi vọng sớm chặn đứng đại dịch.

"Hãy lấy nếu bạn cần", khẩu hiệu ngắn ngủi ấy cũng đủ làm người khác ấm lòng suốt những tháng qua. Những chiếc khẩu trang tuy nhỏ bé nhưng nó chứa đựng cả một tấm lòng xuất phát từ sự tử tế.

Không ít lần, trong mỗi chúng ta đều nổi lên những nghi ngại "Người tử tế, việc tử tế sao bây giờ hiếm quá". Những đau đáu về sự xuống cấp của đạo đức, tệ nạn xã hội gia tăng gắn liền với sự phát triển kinh tế. Tìm người tốt ở đâu giữa những vô cảm, lạnh lùng, quay lưng trước nỗi đau của đồng loại?

Giờ hỏi câu ấy thành ra lẩm cẩm. Người Việt bao dung, vị tha và tốt bụng nhiều hơn ta tưởng. Cứ nhìn những ngày qua, từ em bé đến người già, từ cá nhân đến tổ chức, từ công ty nhỏ đến doanh nghiệp lớn...đều gắn mình với những việc làm ý nghĩa.

Người có tiền góp tiền, người có sức góp sức. Vài chục ngàn đồng của em thiếu nhi đập heo đất mua khẩu trang phát miễn phí đến hàng chục tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân đóng góp cho cuộc chiến chống dịch. Những y bác sĩ vật lộn cả tháng trời với dịch trong phòng bệnh, những quân nhân ngày đêm nếm mật nằm gai ngăn chặn dịch vùng biên ải. Họ làm những việc ấy có cần ai phân công, chỉ đạo không? Chắc chắn là không phải. Bởi, việc tốt là để làm, không phải để tính toán.

Trong số họ, có người là doanh nhân, có người là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng cũng có những người rất bình thường như nông dân, công nhân, học sinh, bộ đội, giáo viên...Không cần phải trống giong cờ mở, họ làm việc tốt chẳng để ghi danh cũng chẳng để lấy thành tích. Đó là tiếng gọi của đạo đức, của lương tâm và trên hết là ý thức công dân, tất cả vì cộng đồng. Như hoa thì tỏa hương, như mặt trời thì tỏa nắng. Mọi lẽ đều tự nhiên, không có điều kiện.

Nếu ai đó còn hỏi vì sao phải tử tế, thì đó là câu trả lời. Và đây, có lẽ cũng là câu trả lời cho nỗi băn khoăn "Nhiều tiền để làm gì?" của một doanh nhân nọ.

Trong cái nguy cơ của Covid-19 thì đồng thời cũng là cơ hội để lan tỏa những việc làm ý nghĩa, nhân văn. Ở vào bất kỳ hoàn cảnh, địa vị, chức phận nào, mỗi cá nhân chỉ cần làm cho đủ, cho tròn việc của mình từ những điều nhỏ nhất, thì cũng đã là làm được việc tốt.

Càng ngẫm càng thấm điệu ví dặm của người dân xứ Nghệ: "Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau!