Tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp mới đây, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, Bộ Tư pháp đã tiến hành nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật nhằm hạn chế “tín dụng đen”.
Ông Hiển thông tin, bước đầu, Bộ Tư pháp nhận thấy, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã có nhiều quy định làm cơ sở cho việc hạn chế hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.
Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển. Ảnh: Moj
Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp cũng nhận thấy, quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản tại Điểm d, Khoản 3, Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ không còn phù hợp với quy định về lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cụ thể, mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm theo quy định của Nghị định 167 là vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay, trong khi mức lãi suất quy định tại Bộ luật Dân sự là 20%/năm/khoản tiền vay. Quy định về lãi suất vi phạm theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng chưa điều chỉnh được hết các hành vi vi phạm trong giao dịch cho vay (hiện nay, nhiều trường hợp cho vay không cần cầm cố tài sản, chỉ cần chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ khẩu hoặc giấy tờ tùy thân khác hay hình thức bốc họ…).
Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho biết thêm, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013/NĐ-CP để khắc phục những bất cập trên. Hiện nay, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường để bảo đảm cơ sở pháp lý cho các giao dịch này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2018, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong 4 năm gần đây (giai đoạn 2013 – 2017), cả nước có khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo…
Ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN nhìn nhận tín dụng đen ngày càng biến tướng, tiếp cận người dân bằng cách treo tờ rơi, áp phích nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội, núp bóng dưới các cửa hàng cầm đồ, công ty cho vay tài chính, núp dưới danh nghĩa "kết nối NH và khách hàng…Các đối tượng cho vay nặng lãi thường không quy định lãi suất cụ thể mà thường tính lãi suất theo ngày; thu nợ với nhiều hình thức trái pháp luật, thuê xã hội đen…
Cũng tại Hội nghị nói trên, Đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết riêng năm 2018, cả nước đã có 84 vụ giết người, 855 vụ cố tình gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản và trên 1309 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến tụng đen. Đây là một con số đáng báo động cho diễn biến tín dụng đen hiện nay.