Sáng 4/4, tại trụ sở TAND TP Hồ Chí Minh, TANDTC tổ chức Lễ ra mắt Tòa gia đình và người chưa thành niên. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC tham dự buổi lễ.
Đến tham dự lễ còn có các đồng chí: Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC; Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC; Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Lê Thị Thu Ba, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Cải cách Trung ương; Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an; ông Youssouf Adel-Jelil, Trưởng đại diện Quỹ UNICEP tại Việt Nam và các ban, ngành đoàn thể có liên quan.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao quyết định công bố thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên cho tập thể lãnh đạo TAND TP Hồ Chí Minh
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã công bố và trao quyết định của Chánh án TANDTC về việc tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên cho tập thể lãnh đạo TAND TP Hồ Chí Minh; công bố và trao quyết định của Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh về việc bổ nhiệm và điều động nhân sự Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án TANDTC cho biết, gia đình là tế bào của xã hội; trẻ em là tương lai của đất nước. Bởi vậy, bảo vệ và phát triển gia đình Việt Nam, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được xác định là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Việc ra đời của Tòa gia đình và người chưa thành niên trong tổ chức bộ máy của TAND là dấu ấn quan trọng và là một trong những thành công của tiến trình cải cách tư pháp; là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng; chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong hoạt động tư pháp, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa gia đình và người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đây cũng là phương thức để thực hiện nguyên tắc hiến định về việc xét xử kín đối với người chưa thành niên quy định tại khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013.
Đối với các vụ việc về hôn nhân và gia đình, thực tiễn công tác xét xử cho thấy, các vụ việc này có những đặc thù riêng xuất phát từ quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng giữa các thành viên trong gia đình. Khi giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình, bên cạnh yêu cầu phải tuân thủ các quy định của pháp luật, cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý, tình cảm, đạo đức, truyền thống của dân tộc; trong đó yếu tố pháp lý và yếu tố tình cảm đan xen vào nhau giữa các bên trước, trong và cả sau quá trình giải quyết vụ việc. Vụ việc có thể đã được giải quyết, nhưng khác với các vụ việc dân sự thông thường, các bên trong vụ việc hôn nhân và gia đình vẫn bị ràng buộc với nhau về trách nhiệm đối với con chung; về đạo đức truyền thống và có thể kéo dài suốt cuộc đời họ.
Lãnh đạo Tòa gia đình và người chưa thành niên ra mắt
Bên cạnh đó, việc giải quyết các vấn đề gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm lý của từng thành viên trong gia đình, có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến định hướng phát triển của trẻ em là thành viên trong gia đình; bởi vậy, nếu giải quyết tốt các vấn đề thuộc quan hệ gia đình, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với việc chăm sóc, giáo dục con cái sẽ góp phần hạn chế, ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển thể chất và nhân cách; đồng thời, góp phần vào sự ổn định chung của toàn xã hội.
Với tầm quan trọng và ý nghĩa nêu trên, theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên không chỉ là sự sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của TAND mà là thiết chế tạo điều kiện để chuyên môn hóa công tác giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và thời hạn giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên tại TAND.
Đồng chí Trương Hòa Bình chụp hình lưu niệm với đại diện UNICEF và các lãnh đạo ban, ngành tham dự buổi lễ
Sau một quá trình nỗ lực chuẩn bị theo đúng các yêu cầu đề ra, ngày 4/4/2016, Tòa gia đình và người chưa thành niên chính thức ra mắt với tư cách là một Tòa chuyên trách thuộc tổ chức bộ máy của TAND TP Hồ Chí Minh. Thay mặt cho lãnh đạo TAND, đồng chí Trương Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của TAND TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua để ra mắt kịp thời Tòa chuyên trách thuộc TAND cấp tỉnh đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức theo Luật Tổ chức TAND năm 2014. Mong rằng trong thời gian tới đây, Tòa gia đình và người chưa thành niên tại TP Hồ Chí Minh sẽ hoạt động hiệu quả theo đúng mục tiêu đề ra; tiếp tục được củng cố, kiện toàn cả về nhân sự, cơ sở vật chất và kinh nghiệm giải quyết các vụ việc về người chưa thành niên, về hôn nhân và gia đình để trở thành mô hình Tòa chuyên trách mẫu cho cả nước.
Ông Youssouf Adel-Jelil, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã khẳng định vị trí tiên phong đối với các nước trên thế giới trong việc bảo vệ quyền của trẻ em. Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ góp phần rất lớn bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ khi quyền của trẻ em bị xâm hại hay trẻ em phạm tội. Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ tạo ra môi trường xét xử thân thiện, giúp các em hòa nhập hơn với cộng đồng sau khi Tòa án xét xử. Có thể nói, hệ thống pháp luật của Việt Nam về bảo vệ trẻ em ngày càng mạnh mẽ, UNICEF sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.