Xã hội

Quyết tâm hành động thực hiện khung đa dạng sinh học toàn cầu 

Nguyễn Liên - Quang Huy 19/05/2023 - 21:16

Chiều 19/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn, đã tổ chức Hội thảo “Phối hợp hành động thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal" với chủ đề “Từ Thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học".

z4359408671276_0cebf4ab754b57b1936a24157e1aaf56.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Sự kiện đã chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam cũng như thể hiện sự quyết tâm, hành động tổng thể của các cấp, ngành và cả cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn và sử dụng hiệu quả các giá trị thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Việt Nam là 1 trong 12 trung tâm đa dạng sinh học; 1 trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất toàn cầu với các nguồn gen quý hiếm.

Tuy nhiên, thực tế thì Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái nhanh về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.

Trước những thách thức đó, chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

da-dang-3.jpg
Việt Nam là quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất toàn cầu.

Ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh này là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và là nơi có Vườn Quốc gia Ba Bể và các khu bảo tồn có các loài sinh vật quý, hiếm sinh sống. Ngoài ra, Bắc Kạn có tỷ lệ diện tích che phủ rừng lớn nhất cả nước gần 74%.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế trên, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cũng chỉ ra một số khó khăn, tồn tại, hạn chế nhất định trong công tác quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, như: Việc đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội; một phần làm tài nguyên sinh vật bị khai thác; nhiều giống mới du nhập vào chưa được kiểm soát.

Trong khi đó, một số cơ chế, chính sách, quy định có liên quan còn bất cập; trách nhiệm liên quan đến quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài, bảo tồn tài nguyên di truyền, về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.

“Do vậy, hội thảo là dịp để tỉnh Bắc Kạn học hỏi, nghiên cứu, trao đổi để nâng cao công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế xã hội hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ môi trường”, ông Tuyên nói.

Trước đó, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP 15) được Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 12/2022 tại thành phố Montreal-Canada đã thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal; trong đó đặt ra các mục tiêu và biện pháp để đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu trong các thập kỷ vừa qua.

z4359408968873_030d493cfcd354ee4d271a4ebcf249d0.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, việc quan trọng hiện nay là cần đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu tại Việt Nam; xác định các cơ hội hợp tác, các biện pháp huy động nguồn lực và sự tham gia của các bên liên quan để thực hiện các mục tiêu quốc gia và mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học.

Bà Phạm Minh Thảo, đại diện Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) nhấn mạnh, Việt Nam nằm trong danh sách 16 nước đứng đầu về đa dạng sinh học trong số 196 nước đã ký kết Khung đa dạng sinh học toàn cầu.

Theo bà Thảo, di sản thiên nhiên nổi bật trên có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ và khôi phục, nhằm đáp ứng các cam kết toàn cầu, cũng như để đảm bảo chất lượng cuộc sống và tương lai bền vững cho hàng triệu người dân Việt Nam.

Tại hội thảo, đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cũng chia sẻ một số khuyến nghị để thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học. Cụ thể là Việt Nam cần huy động thêm nguồn lực tài chính từ xã hội và khối tư nhân; xem xét bổ sung thêm dòng ngân sách riêng cho các tổ chức đa dạng sinh học, nhất là các khu bảo tồn.

Cùng với đó, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hệ thống các tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học; có cơ sở dữ liệu tốt về đa dạng sinh học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm hành động thực hiện khung đa dạng sinh học toàn cầu