Quyết liệt cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan

Lan Trần| 21/06/2016 07:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Tài chính đang triển khai các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là thuế và hải quan nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Trong buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính hôm 20/6, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngô Hữu Lợi cho biết, vừa qua, Bộ Tài chính đã cùng với các Bộ, ngành tham mưu với Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết quan trọng thực hiện trong cả giai đoạn 2016 - 2020: Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/04/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016 - 2017, định hướng đến năm năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Quyết liệt cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan

Cải cách hành chính đang được thực hiện quyết liệt nhằm tạo điều kiện cho DN trong sản xuất kinh doanh

Trong lĩnh vực thuế và hải quan, Bộ Tài chính ra Quyết định số 1134/QĐ-BTC bám sát mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 19/NQ-CP, Kế hoạch hành động đã đề ra những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Nghị quyết trong hai năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020 bảo đảm đạt mức trung bình của các nước ASEAN 4.

Cụ thể trong lĩnh vực hải quan, mục tiêu là: Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu; Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% xuống còn 15% đến hết năm 2016; Bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tuc hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm; điện tử hoá thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành và với cơ quan hải quan.

Đáng chú ý là mục tiêu đến năm 2020, thời gian nộp thuế tối đa là 110 giờ/năm; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Các nhiệm vụ trong lĩnh vực hải quan được cụ thể hóa thành 39 giải pháp gắn với các sản phẩm đầu ra gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành; Hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; Các nhóm nhiệm vụ khác (chủ yếu liên quan đến Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, kết nối trao đổi thông tin bằng thường thức điện tử về hàng hóa tại cảng; giảm tỷ lệ kiểm tra luồng vàng, đỏ; Phối hợp với Ngân hàng thương mại mở rộng thành toán điện tử...)

Đại diện của Bộ Tài chính cũng cho biết 21 giải pháp gắn với các sản phẩm đầu ra cụ thể trong lĩnh vực thuế sẽ được triển khai gồm: Về ứng dụng công nghệ thông tin; Về quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế giá trị gia tăng qua việc hoàn thiện phầm mềm và cơ sở dữ liệu về giải quyết khiếu nại, hướng tới bảo đảm 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định pháp luật; tiếp tục triển khai cấp mã số thuế tự động và phân cấp cơ quan thuế đối với doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc; Xây dựng nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế

Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp trong năm 2016; Ban hành các văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành Luật phí, lệ phí; Chủ động phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng quy trình liên thông giữa cơ quan thuế và Văn phòng đăng ký đất đai/Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất/cơ quan công an và rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về cước và phụ cước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan