Quyền vận động bầu cử là bình đẳng, công bằng

Mai Thoa| 10/05/2016 22:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để chuẩn bị tốt cho chương trình bầu cử diễn ra vào 22/5 tới, các ứng viên đang trong quá trình tiếp xúc cử tri vận động bầu cử với chương trình hành động của mình.

Điều các cử tri quan tâm là các ứng viên sẽ thực hiện các cam kết của mình như thế nào khi trúng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Những cam kết và chương trình hành động

Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, ngày 9/5, Đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đã giám sát và kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tại buổi giám sát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Đây là dịp để người dân biết mình, nghe mình trình bày chương trình hành động và gặp gỡ, trao đổi với dân. Tôi cũng đánh giá đây là dân chủ, đúng luật làm cho ứng cử viên gần với nhân dân, nghe được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân chứ không tổ chức hình thức, qua loa chiếu lệ”. Chủ tịch Quốc hội lưu ý về quyền vận động bầu cử của mỗi ứng cử viên là bình đẳng, công bằng như nhau trong việc tiếp xúc nhân dân, cũng như tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng…

Tiếp xúc cử tri vận động bầu cử tại Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến trách nhiệm to lớn trước Đảng, Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước trên cương vị mới của mình. Thủ tướng khẳng định thời gian tới, sẽ cùng tập thể Chính phủ nỗ lực hết sức mình trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của đất nước; tiếp tục xây dựng và ban hành những cơ chế chính sách mới để giải phóng sức sản xuất; nâng cao năng suất lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu; kiểm soát tốt lạm phát và đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống cho người nông dân. Chính phủ sẽ có những giải pháp xóa đói giảm nghèo bền vững, gìn giữ và phát huy hơn nữa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.

Về những nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng cho rằng cần tập trung các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; khắc phục hậu quả hạn hán ở miền Trung - Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Tây Nam Bộ; tình trạng cá chết bất thường ở miền Trung. Chính phủ cũng sẽ chú trọng nhiệm vụ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quyền vận động bầu cử  là bình đẳng, công bằng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kiểm tra khu vực bỏ phiếu tại thành phố Long Xuyên, An Giang

Tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng cho biết, nếu đắc cử, ông sẽ phấn đấu xứng đáng là người đại diện trung thành, tin cậy cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân Thủ đô. Không những cam kết trau dồi đạo đức của bản thân, ông Hoàng Trung Hải cam kết “không để gia đình, con cái lạm dụng quyền của mình để làm ăn phi pháp, tiêu cực, tham nhũng, đồng thời tích cực chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần xây dựng một xã hội minh bạch, công bằng hơn”. Trong chương trình hành động khi trúng cử, Bí thư Thành ủy Hà Nội còn đề cập việc đóng góp công sức, trí tuệ nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đặt lợi ích người dân, quốc gia lên trước; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững mạnh; đề xuất cơ chế thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; ứng phó biến đổi khí hậu... Cá nhân ông sẽ không ngừng học hỏi, trau dồi, thường xuyên bám sát thực tiễn mà phải tiếp xúc với cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhằm triển khai các nhiệm vụ, đáp ứng điều đó. Với kế hoạch phát triển thủ đô, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho hay sẽ cùng tập thể Thành ủy chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ Thành phố. Trong đó, mục tiêu đột phá phát triển hạ tầng được ưu tiên trước hết.

Đại biểu trúng cử cần thực hiện lời hứa

Từng là đại biểu Quốc hội khóa X, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình. Theo ông, để có những chương trình hành động có thể thuyết phục được cử tri hiểu và ủng hộ thì mỗi ứng cử viên khi xây dựng chương trình hành động phải thể hiện được mình là người có cuộc sống bình thường, giản dị, hòa hợp với công chúng, hòa hợp với cử tri. Đồng thời, phải nắm được những vấn đề cơ bản về kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của địa phương mình ứng cử nói riêng, để từ đó kết cấu một chương trình hành động, nội dung phù hợp với sự phát triển của địa phương đó cũng như của đất nước, đáp ứng được nguyện vọng, yêu cầu của cử tri mong muốn.

Trong chương trình hành động của mình, các ứng cử viên thường có những lời hứa. Theo ông Thanh, mỗi ứng cử viên chỉ nên hứa những gì mà trong phạm vi, tầm với của mình có thể làm được và đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, của Quốc hội, chứ không nên hứa những vấn đề mà mình không thể thực hiện được, hoặc hứa để cho xong chuyện, điều này sẽ mất hết uy tín. Như vậy, lời hứa sẽ có hai khía cạnh, một là bảo đảm để thực hiện; hai là phải đúng với chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.

Sau khi công bố các ứng cử viên đủ tư cách làm ĐBQH, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV, mỗi ứng cử viên phải bắt tay vào để thực hiện cho được nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu nhân dân được quy định tại Chương II Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Theo đó, nhiệm vụ đối với mỗi đại biểu là phải thường xuyên gắn bó với nhân dân, tiếp xúc với cử tri, đây là việc rất quan trọng mà ông Thanh cho rằng, mỗi đại biểu cố gắng đến bao nhiêu cũng không đủ, vì thời gian hoạt động có hạn; ĐBQH ở Trung ương có khoảng cách về không gian, thời gian, cho nên mỗi đại biểu phải biết sắp xếp công việc, tổ chức hoạt động có khoa học thì mới có thời gian để gần gũi với cử tri nơi mình ứng cử và tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Đặc biệt, đối với những đại biểu lần đầu tiên tham gia vào hoạt động nghị trường khi phải chất vấn Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên của Chính phủ… lần đầu tiên thường sẽ bị ngợp. Luật cho phép, mỗi ĐBQH được phép chất vấn, chỉ có điều, đại biểu đó có mạnh dạn, trung thực để đưa ra được những câu hỏi có thể giải đáp được những vấn đề cụ thể của đất nước, của cử tri yêu cầu hay không, ông Thanh nhấn mạnh.

Mỗi ĐBQH cần phải làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình trước cử tri, trước Quốc hội, trong đó có những vấn đề về giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và xây dựng luật pháp. Theo ông Thanh, khi tham gia xây dựng luật, góp ý về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đòi hỏi mỗi đại biểu phải bám sát thực tiễn thì mới có những ý kiến đúng đắn, nếu người đại biểu mà không bám sát thực tiễn thì phát biểu sẽ bị lạc lõng. Bởi vì, trong nội quy kỳ họp quy định mỗi đại biểu chỉ được phát biểu một thời lượng nhất định, nên cần lựa chọn vấn đề và phương pháp phát biểu sao cho tóm gọn hết được vấn đề cần nêu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền vận động bầu cử là bình đẳng, công bằng