Quyền con người: Nhìn từ góc độ lập pháp

01/01/2015 06:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ở nước ta, quyền con người được bảo đảm và thực hiện bằng Hiến pháp và pháp luật. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tiến trình đấu tranh cách mạng, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quyền con người được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật

 Quyền cơ bản của con người là quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc; quyền được tôn trọng nhân cách, lương tri và phẩm giá, được xã hội thừa nhận, tôn vinh và pháp luật bảo đảm về quyền sống của một con người. Vì vậy, ngày 2/9/1945, trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân, đồng bào và nhân dân thế giới: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” .

Tại Đại hội đại biểu quốc dân đồng bào trước ngày Tổng khởi nghĩa (16/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Đại hội và thông qua một Nghị quyết quan trọng, trong đó có nhiều điều khoản liên quan trực tiếp đến quyền con người, đó là ban bố những quyền chính đáng cho người dân về: Nhân quyền; Tài nguyên (quyền sở hữu); Dân quyền: Quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại); dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền.

Sau này, các nội dung nêu trên đã được thể chế hóa thành những quyền hiến định trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người ở Việt Nam là phải được bảo đảm bằng Hiến pháp và trên thực tế, quyền con người ở nước ta đã thực sự trở thành quyền hiến định. Đó là cơ sở pháp lý vững chắc để các cấp, các ngành, các cơ quan dân chính đảng thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân trong chế độ mới.

Hệ thống pháp luật và thiết chế ở nước ta được xây dựng, từng bước được bổ sung, hoàn thiện nhằm mục đích cao nhất là bảo đảm, bảo vệ, chăm lo cho quyền con người. Các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013 đều khẳng định rõ ràng: Ở Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng.

 Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam 1946 mới chỉ gồm có 70 điều nhưng đã dành cho việc quy định các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân đến 18 điều và được trình bày tập trung tại một chương: “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” và đặt trang trọng ở vị trí ưu tiên, ngay tại Chương II. Hiến pháp 1959 là bước phát triển hơn nữa so với Hiến pháp 1946 với 21 điều khoản quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân. Hiến pháp 1980 là Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất, kế thừa và phát huy tinh thần của hai Hiến pháp trước, với 29 điều quy định cụ thể về các quyền của công dân.

Hiến pháp Việt Nam năm 1992, là Hiến pháp của công cuộc đổi mới, đã khẳng định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân..." (Điều 2); “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và pháp luật” (Điều 50).

Từ năm 1986 đến nay, Nhà nước ta đã loại bỏ hàng trăm văn bản, hàng ngàn giấy phép lỗi thời, hạn chế các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; sửa đổi và ban hành gần 14.000 văn bản luật và dưới luật, trong đó có hơn 40 luật và bộ luật quan trọng. Hệ thống các văn bản pháp luật đó hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc và nội dung của các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời đáp ứng được yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy sự bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của công dân. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước đã tiến hành cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, nâng cao vai trò, chức năng của các cơ quan dân cử, nâng cao hiệu lực hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền nhằm bảo đảm quyền con người.

Quyền con người: Nhìn từ góc độ lập pháp

Quyền cơ bản của con người là quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc

Đồng thời, Nhà nước ta đã ký kết và phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có 2 Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16/12/1966, quy định về các quyền của con người, đó là Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICESCR), Công ước Quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICCPR).

Một trong những biểu hiện sinh động của việc phát huy quyền làm chủ của người dân là trong quá trình xây dựng, dự thảo các văn bản luật, dưới luật đều được Đảng, Nhà nước ta giới thiệu công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tham khảo ý kiến của đông đảo nhân dân; chỉ tính riêng đợt sinh hoạt chính trị toàn dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992 từ tháng 1 đến tháng 9/2013, qua gần 9 tháng, chúng ta đã thu nhận được gần 27 triệu lượt ý kiến của nhân dân đóng góp, xây dựng.

Quyền con người trong Hiến pháp năm 2013

Tiếp thu tinh thần về quyền con người của Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định các quyền cơ bản như: Quyền bầu cử và quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, biểu tình, quyền và cơ hội bình đẳng giới…

So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp mới có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Theo đó, Hiến pháp đã khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính chị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14). Quy định này thể hiện sự phát triển quan trọng về nhận thức và tư duy trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp.

Hiến pháp đã bổ sung một số quyền mới, là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm bổ sung quan trọng về quyền con người trong Chương II là một bước tiến đáng kể về tư duy Nhà nước pháp quyền và thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định quyền sống; quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghiên cứu và thụ hưởng các kết quả khoa học; quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp; quyền được sống trong môi trường trong lành…

Hiến pháp năm 2013 còn khẳng định mạnh mẽ mọi công dân Việt Nam đều quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội… Hiến pháp năm 2013 có một điểm rất mới là đã không còn các quy định theo cách thức được Nhà nước thừa nhận các quyền con người, mà quyền con người ở đây đã có sự phân biệt khác nhau giữa quyền con người và quyền công dân. Theo đó quyền con người được hiểu là quyền tự nhiên vốn có của con người từ khi sinh ra; còn quyền công dân trước hết cũng là quyền con người nhưng việc thực hiện nó gắn với vị trí pháp lý của công dân trong quan hệ với Nhà nước, được nhà nước bảo đảm đối với công dân của nước mình và “nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6) và Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo cũng như phải bảo vệ cho những quyền đó được thực hiện trên thực tế.

 Đáng chú ý trong Hiến pháp 2013 cũng đã có sự thể hiện rõ sự thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân, quyền nào là nhóm quyền được áp dụng đối với mọi cá nhân với tư cách là quyền con người, quyền nào là nhóm quyền chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam với tư cách là các quyền công dân. Quyền con người cũng là quyền công dân, nhưng phải có một sự phân định rạch ròi, những thứ mà mọi người được hưởng thì đó là nhân quyền (quyền con người); những gì công dân được hưởng thì đó là quyền công dân và mục đích cuối cùng của Hiến pháp là được sinh ra để đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Hiến pháp năm 2013 về cơ bản đã tiếp thu quy định của Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự; quyền kinh tế, văn hóa. Sự tiếp thu này là phù hợp với thời kỳ toàn cầu hóa và để những quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp được đầy đủ hơn. Đây cũng là điều kiện để Việt Nam thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên Hợp quốc trong nhiệm kỳ 2014 - 2016.

Đặc biệt, việc Việt Nam quy định quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 tạo nền tảng pháp lý cao nhất để bảo đảm quyền con người được hiện thực hóa đầy đủ trong thực tiễn như là nội dung, mục tiêu và động lực mới cho phát triển một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền con người: Nhìn từ góc độ lập pháp