Quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn

Lan Trần| 22/08/2018 11:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tính tới thời điểm hiện tại, quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là khả năng cung ứng vốn còn hạn chế…

Phát biểu tại diễn đàn Diễn đàn kinh tế Việt Nam – ViEF 2018 với chuyên đề "Thị trường vốn – Tài chính", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá trong thời gian qua, với những nỗ lực cải cách, hoàn thiện thể chế chính sách của Đảng và Chính phủ, cũng như đóng góp không nhỏ  của khu vực kinh tế  tư nhân, hệ thống tài chính Việt Nam được đánh giá là phát triển khá lành mạnh và an toàn, góp phần to lớn giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như duy trì ổn định vĩ mô.

Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, quy mô hệ  thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là khả năng cung ứng vốn còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò là kênh dẫn vốn của nền kinh tế, tỷ lệ vốn hóa từ các thị trường như bất động sản, chứng khoán, … còn hạn chế.

Tỉ trọng nguồn vốn ngắn hạn cao trong khi tỉ trọng nguồn vốn trung và dài hạn thấp khiến nền kinh tế không đủ nguồn lực đảm bảo phát triển bền vững. Hệ thống luân chuyển dòng vốn cũng chưa hiệu quả, thể hiện qua sự bất hợp lý trong việc phân bổ nguồn lực giữa các ngành kinh tế. 

Quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn

Ảnh minh họa

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thị trường tài chính trong những năm qua chưa phát triển đúng theo mong muốn nhưng thị trường chứng khoán và tiền tệ vẫn phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Đây là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế.

Đại diện NHNN dẫn chứng những năm gần đây, thị trường chứng khoán có nhiều điểm đột phá. Vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2017 tăng trên 70%. Với thị trường tiền tệ, tính chung, tỷ lệ tín dụng trên GDP khoảng 130%. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp thấp, chỉ chiếm 1,25%, trong khi quy mô trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm chủ yếu. Đây đều là nguồn vốn ngắn hạn nên nhu cầu vốn vay trung dài hạn lớn, tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng.

Với nguồn vốn hiện tại, tỷ trọng vốn ngắn hạn chiếm 70% nhưng đã cải thiện nhiều so với 5-6 năm trước. Áp lực cho vay trung, dài hạn vẫn lớn và các tổ chức tín dụng phải đối mặt với rủi ro về chênh lệch kỳ hạn. Đối với trái phiếu chính phủ, các tổ chức tín dụng vẫn nắm hơn 80% lượng trái phiếu. 

Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước chú trọng khắc phục 2 điểm này. Trong đó, Ngân hàng chú trọng cân đối nguồn vốn để kiểm soát rủi ro, nhất là ở thị trường bất động sản, chứng khoán. Chính sách lãi suất cũng khuyến khích nguồn vốn dài hạn để cải thiện nguồn vốn dài hạn.Bên cạnh đó, chính sách lãi suất và chính sách tỷ giá được quan tâm để tránh những rủi ro về chênh lệch kỳ hạn.

Đánh giá các giải pháp can thiệp đã tỏ ra hiệu quả, nhưng ông A. Alatabani , Chuyên gia Ngân hàng Thế giới nhìn nhận các ngân hàng vẫn phải chịu những áp lực nhất định, nhất là với tăng trưởng về tín dụng, nguồn vốn dài hạn tương đối mỏng. "Nếu nhìn ra bên ngoài, chúng ta sẽ thấy có một số giải pháp khác như kỳ hạn của những gói vay, huy động 6 tháng, 9 tháng hay một năm. Đặc biệt, chúng ta phải làm thế nào huy động được nguồn vốn dài hơi hơn", ông Alatabani nói. 

Nói về giải pháp tái cấu trúc thị trường, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital đề cao môi trường pháp lý, chính sách minh bạch để gia tăng vai trò của các định chế phi ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho thị trường.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân chủ quan khiến cơ cấu tài chính nội địa chưa được định hình rõ ràng là do khung pháp lý vẫn còn nhiều bất cập và có độ trễ so với xu hướng cũng như tốc độ tăng trưởng của thị trường tài chính. Do đó, cần các bên đối thoại, trao đổi, thảo luận để tìm kiếm giải pháp thật thấu đáo. Bên cạnh đó, để giải quyết các bất cập trên, một trong những nguyên tắc quan trọng là phải tiếp cận theo hướng lấy phát triển bền vững làm mục tiêu và lấy nhu cầu thị trường làm thước đo, từ  đó hoàn thiện hạ  tầng tài chính để  đáp  ứng được ngày càng hiệu quả  hơn các yêu cầu của thị  trường, kể  cả  trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn