Tiên Châu – cảng cá lớn nhất tỉnh Phú Yên sau hơn 10 năm nạo vét và đi vào hoạt động, nguồn đầu tư hơn 30 tỷ đồng từ ngân sách đang có nguy cơ trôi ra biển vì những lý do rất…lãng xẹt từ địa phương.
Trong đó, phải kể đến sự tồn tại của các cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá nhỏ lẻ như các cây xăng dầu, cơ sở bán nước đá, thu gom hải sản…đang cản đường quy hoạch xây dựng cảng cá hiện đại nhất tỉnh Phú Yên.
Gây ô nhiễm, tiềm ẩn nguy hiểm
Nằm cách cảng cá Tiên Châu chưa đầy 1 cây số, trên địa bàn xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, có tới hai cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hồng Cát. Chúng tôi tìm đến cửa hàng bán lẻ cơ sở 1 ở thôn Phú Hội nằm sát ven bờ biển. Không thể tin đây là một cửa hàng xăng dầu cấp 3 “đủ điều kiện”, “bảo đảm an toàn” như các báo cáo của ngành công thương. Đường vào chật hẹp, các trụ bơm xăng dầu được đặt ngay trong một cái lán lụp xụp, nằm liền kề các khu vực sinh hoạt của người dân. Từ cửa hàng bán xăng dầu này tới vị trí các nhà dân ở cạnh đó chỉ vài mét. Liền đó là khu vực bán nước đá, thu gom hải sản về chiều bốc mùi hôi thối, nước thải đổ thẳng xuống cửa biển.
Ông Nguyễn Kim Thanh, Chủ tịch UBND xã An Ninh Tây thừa nhận với chúng tôi kinh doanh như vậy là vi phạm an toàn và gây ô nhiễm nhưng ông này đổ lỗi “do huyện, tỉnh cấp phép, chúng tôi không có chức năng xử lý”.
Cây xăng xập xệ của DNTN Hồng Cát
Một cán bộ địa phương xin được giấu tên cho biết: Những cơ sở nhỏ lẻ này nằm ở vị trí án ngữ cửa lạch nên đã “độc quyền” cung cấp dịch vụ xăng dầu, nước đá và thu gom hải sản cho các tàu ghe. Từ năm 2006, khi cảng cá được xây xong, chính quyền đã nhiều lần vận động các hộ này chuyển lên kinh doanh tại cảng cá, sẽ được tạo điều kiện mặt bằng, vị trí thuận lợi. Thế nhưng, họ vẫn từ chối và muốn ở lại vị trí cũ. Đồng thời, có nghi vấn nhiều người dân được thuê tụ tập gây rối, cản trở dự án nạo vét cảng cá, không cho cảng cá được đầu tư hiện đại.
Một báo cáo của cơ quan công an đã xác định có người nhà của chủ một cơ sở dịch vụ tham gia gây rối, cản phá thi công. Báo cáo của UBND huyện Tuy An nêu, “về hình thức đã bộc lộ có tổ chức, biểu hiện rõ nhất là việc cản trở dự án trong ngày 30-6-2016. Số lượng tham gia đông nhưng người trực diện đấu tranh chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già”.
Làm việc với phóng viên, ông Trần Sáu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy An thừa nhận dự án nạo vét, đầu tư cảng cá hiện đại là rất cấp thiết, nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế của huyện, có tác dụng thúc đẩy như một dự án kinh tế động lực, sớm muộn cũng phải làm. Những cơ sở nhỏ lẻ, manh mún phải được quy hoạch, sắp xếp lại và về lâu dài không thể tồn tại. Hiện nay do cảng cá Tiên Châu bị bồi lấp nên lượng tàu vào cảng ít, sản lượng hải sản qua cảng hằng năm mới đạt hơn 3,3% so với công suất thiết kế. Chính vì chưa đồng bộ nên cảng Tiên Châu dù đã có một số hạ tầng thiết yếu, có cả trạm xăng dầu nhưng hiện vẫn thu không đủ chi.
Cần sớm dẹp bỏ các cơ sở không đủ điều kiện
Theo quyết định số 1156/QĐ-UBND ngày 8-8-2012 của UBND tỉnh Phú Yên về việc rà soát, quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 thì DNTN Hồng Cát có 3 cửa hàng cấp 3 ở xã An Ninh Đông. Tiêu chí với cửa hàng cấp 3 là phải có bồn chứa lớn hơn 100m3, diện tích đất tối thiểu 1.000m2 chưa kể đất xây dựng nhà ở cho công nhân và đường cho xe ra vào cửa hàng, khoảng cách giữa 2 cửa hàng cấp 3 ở khu vực ngoài đô thị phải trên 12 km. Thế nhưng, ngay trong quyết định này đã cho thấy có 2 cơ sở không đạt tiêu chuẩn cấp 3 vì diện tích quá hẹp, cơ sở 2 chỉ đạt 213m2. Thế nhưng, không hiểu bằng cách nào, các cửa hàng này vẫn không rơi vào diện phải di dời, giải tỏa mà vẫn được UBND tỉnh Phú Yên đưa vào danh sách “giữ nguyên vị trí”.
Trước đó, vào năm 2012, Đoàn Thanh tra liên ngành của tỉnh Phú Yên đã tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của 1 cửa hàng của DNTN Hồng Cát vì gian lận. Người dân phản ánh, một số cán bộ địa phương có liên quan tới lợi ích trong các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá nhỏ lẻ nên chưa thật sự ủng hộ dự án nạo vét cảng cá, chưa tích cực đấu tranh với các đối tượng cản phá, thậm chí còn có dấu hiệu bao che, nương nhẹ.
Theo phản ánh, ông Nguyễn Kim Thanh, Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông có hùn vốn làm ăn chung với DNTN Hồng Cát. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Thanh cho biết, cá nhân ông không hùn hạp gì với các cơ sở trên mà chỉ có người em trai ruột có chạy xe tải đông lạnh cho DNTN Hồng Cát.
Một góc cảng cá Tiên Châu
Theo bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Chánh văn phòng UBND tỉnh Phú Yên: UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn để tiếp tục triển khai dự án, song dự án này do UBND huyện Tuy An là chủ đầu tư thì huyện phải chủ động có trách nhiệm đối với dự án. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với lãnh đạo huyện Tuy An để được làm rõ thông tin thì lãnh đạo huyện này luôn né tránh. Các cơ quan pháp luật cũng chưa làm tròn trách nhiệm, vai trò quản lý yếu kém khi đối tượng gây rối nhiều lần dùng ghe không có đăng ký, không được phép chở người, chở nhiều người dân leo lên xà lan của đơn vị thi công để đập phá nhưng các cơ quan pháp luật không có biện pháp nào xử lý, ngay cả biên bản vi phạm cũng không lập được vì “khó quá”.
Giải thích về các cây xăng dầu không đủ điều kiện, ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên thừa nhận các cửa hàng xăng dầu diện tích dưới 1.000m2 và khoảng cách dưới 12km là chưa đủ tiêu chuẩn nhưng đây là lĩnh vực “chuyên ngành hẹp”, là vấn đề “lịch sử để lại”, khó xử lý.
Hơn 10 năm để lãng phí một cảng cá hiện đại đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng chỉ vì những cơ sở dịch vụ nhỏ lẻ, không đủ tiêu chuẩn cho thấy trách nhiệm, vai trò của chính quyền cơ sở và kỷ cương phép nước ở nơi đây chưa được nghiêm minh. Đã đến lúc lãnh đạo tỉnh Phú Yên và huyện Tuy An phải có những giải pháp quyết liệt, đừng để lãng phí tiềm năng phát triển vì những lợi ích “cò con”!