Quy định về người yêu cầu giám định là bước tiến có tính chất đột phá xuất phát từ yêu cầu cần tạo điều kiện thiết thực để cá nhân có công cụ thu thập tài liệu cung cấp chứng cứ chứng minh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Người yêu cầu giám định
“Người yêu cầu giám định” là khái niệm mới, được Luật Giám định tư pháp thể chế hóa. Theo đó, người yêu cầu giám định tư pháp là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận.
Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm: đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Quy định về người yêu cầu giám định tiếp tục được ghi nhận trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (các Điều 63, 64, 65, 68, 207), Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (khoản 1 Điều 102) và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (khoản 1 Điều 89).
Quy định về người yêu cầu giám định là bước tiến có tính chất đột phá xuất phát từ yêu cầu cần tạo điều kiện thiết thực để cá nhân có công cụ thu thập tài liệu cung cấp chứng cứ chứng minh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, nhất là các trường hợp yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định nhưng không được đáp ứng mà bản thân họ vẫn muốn có thêm kết luận giám định khác. Quy định này thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về “dân chủ hóa hoạt động tố tụng” làm cho các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm; nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ảnh minh họa
Trình tự, thủ tục yêu cầu giám định
Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Giám định tư pháp thì: người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, hết thời hạn 7 ngày, kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu giám định hoặc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về việc từ chối trưng cầu giám định thì người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
Yêu cầu giám định phải được lập thành văn bản và chỉ được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Văn bản yêu cầu giám định phải có các nội dung chính sau đây: Tên tổ chức hoặc họ tên người yêu cầu giám định; Nội dung yêu cầu giám định; Tên và đặc điểm của đối tượng giám định; Ngày tháng năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định; Chữ ký, họ tên người yêu cầu giám định.
Kèm theo văn bản yêu cầu giám định phải có: đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật liên quan và các giấy tờ chứng minh mình là một trong những người có quyền yêu cầu giám định như: bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc là người đại diện hợp pháp của những người này.
Hoạt động giám định tư pháp bởi chuyên gia, ngoài những người công tác tại các tổ chức giám định tư pháp chuyên trách trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự; các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, tiền tệ, xây dựng, giao thông, văn hóa... Không có tổ chức giám định tư pháp chuyên trách thì người giám định là cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn về các lĩnh vực này đang công tác tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp liên quan. Trong trường hợp họ được trưng cầu, yêu cầu hoặc được phân công của Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp để thực hiện giám định, người đó sử dụng thời gian, trang, thiết bị của cơ quan để thực hiện giám định.
Thực tế hiện nay, nhất là đối với một số vụ án liên quan đến tham nhũng, kinh tế phức tạp, nhạy cảm có cá nhân, tổ chức cố tình từ chối thực hiện giám định mặc dù có đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện giám định tư pháp. Vì vậy, Điều 4 Luật Giám định tư pháp quy định: “Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để người giám định tư pháp thực hiện giám định”. Cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp theo quy định của của Luật này và pháp luật về tố tụng”.