Theo Điều 21 BLTTDS sửa đổi, bổ sung thì phạm vi, trách nhiệm tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ, việc dân sự của VKS được mở rộng, chức năng của ngành Kiểm sát cũng có nhiều điểm mới cơ bản, theo đó VKS tham gia khoảng 80% phiên tòa sơ thẩm.
100% phiên họp, phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm và kiểm sát việc thông báo thụ lý, thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án.
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, VKS luôn có sự phối kết hợp tốt với Tòa án trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án dân sự được kịp thời, đúng pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và của công dân. Tuy nhiên, các quy định của BLTTDS hiện hành về vai trò của Viện kiểm sát chưa có sự thống nhất, rõ ràng nên dẫn đến cách hiểu khác nhau.
Về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Khoản 1 Điều 234 BLTTDS quy định: “Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử…”. Theo quy định này thì được hiểu, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa chỉ được có ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 197 quy định về phiên tòa sơ thẩm: “Tòa án phải trực tiếp…; nghe Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của VKSND về việc giải quyết vụ án, trong trường hợp có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa” và “trong trường hợp có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa thì Kiểm sát viên hỏi đương sự”. Với quy định này được hiểu, Kiểm sát viên tại phiên tòa có quyền phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án. Với các quy định nêu trên dẫn đến có các ý kiến khác nhau về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Có ý kiến cho rằng: Kiểm sát viên chỉ được phát biểu về việc tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng; nhưng cũng có nhiều trường hợp, Kiểm sát viên cho rằng họ có quyền phát biểu về nội dung vụ án ngay tại phiên tòa sơ thẩm. Thậm chí, có trường hợp Kiểm sát viên còn tham gia hỏi và tranh luận về phần nội dung vụ án.
Đại diện VKS tại một phiên tòa (Ảnh minh họa)
Như vậy, tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên có được hỏi không, nếu được hỏi thì hỏi về những vấn đề gì? Về nội dung vụ án hay về thủ tục tố tụng? Đây là vấn đề cần quy định lại thật cụ thể, rõ ràng.
Về phạm vi loại việc mà Viện kiểm sát tham gia phiên tòa: Vấn đề này còn nhiều quan điểm khác nhau như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Giữ nguyên như quy định tại Điều 21 của BLTTDS vì phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VKSND (Điều 21 BLTTDS) quy định:
Quan điểm thứ hai cho rằng: Đối với cấp sơ thẩm thì nên quy định Viện kiểm sát tham gia đối với những vụ án có đương sự là những người yếu thế và những vụ việc liên quan đến tài sản công. Đối với những vụ việc khác, Viện kiểm sát chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm sát thông qua hồ sơ vụ việc. Viện kiểm sát tham gia tất cả những vụ việc xét xử cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm.
Quan điểm thứ ba cho rằng: BLTTDS cần sửa quy định theo hướng: Trong các phiên tòa mà có Kiểm sát viên tham gia thì Kiểm sát viên ngoài việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng của những người tiến hành tố tụng, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng thì còn được phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án. Đây cũng là một kênh cho Hội đồng xét xử tham khảo trước khi phán xét và đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa. Mặt khác, cũng để tránh trường hợp, tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên cho rằng quan điểm giải quyết của Hội đồng xét xử là sai, nhưng không được phát biểu quan điểm của mình nên sau đó mới kháng nghị bản án sơ thẩm.
Trong trường hợp đương sự cũng có kháng cáo thì không có vấn đề gì về tố tụng, nhưng trường hợp đương sự không kháng cáo, chỉ có kháng nghị của VKS thì ảnh hưởng đến nguyên tắc tôn trọng quyền định đoạt của các bên đương sự; hoặc nếu VKS rút kháng nghị thì tố tụng cũng đã bị kéo dài, gây phiền hà cho các bên đương sự đang muốn được thi hành án.