Quy định về bào chữa trong BLTTHS năm 2015

Phương Nam| 14/10/2018 13:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

BLTTHS năm 2015 đã quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, quyền của người bào chữa. Theo đó, mở rộng thêm đối tượng được bảo đảm quyền bào chữa, cho phép người bào chữa tham gia tố tụng sớm hơn, rút ngắn 1/3 thời gian khi làm thủ tục đăng ký bào chữa.

Quyền của người bào chữa

Điều 72 BLTTHS 2015 quy định: “Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa”. Điều 4 BLTTHS 2015 quy định người bị buộc tội bao gồm: Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mở rộng thêm đối tượng được bảo đảm quyền bào chữa là người bị bắt. Quy định mới này đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về người bị bắt có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Điều 72 của BLTTHS 2015 quy định người bào chữa có thể là: Luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Như vậy, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì số lượng người bào chữa của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhiều hơn 01 người là trợ giúp viên pháp lý. Trường hợp này được áp dụng đối với người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Khoản 4 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định 11 người không được bào chữa, tăng thêm 5 trường hợp so với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 gồm: Người dịch thuật, người định giá tài sản, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đã bị kết án chưa được xóa án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có một số quy định mới về quyền của người bào chữa, cụ thể: Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, khi người bị bắt bị người tiến hành tố tụng lấy lời khai thì người bào chữa cho người bị bắt có quyền có mặt để nghe việc lấy lời khai.

 Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bào chữa có quyền này chỉ khi được sự đồng ý của Điều tra viên).

Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này. (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bào chữa phải đề nghị với cơ quan tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm để có mặt khi hỏi cung bị can).

 Đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế. (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không quy định người bào chữa có quyền này).

Thu thập chứng cứ, kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá.
Đây là một quy định hoàn toàn mới về quyền của người bào chữa.

Khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa”.

Khoản 4 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm tiếp nhận, lập biên bản giao nhận, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do người có thẩm quyền thu thập chứng cứ (trong đó có người bào chữa) cung cấp.

Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng

Điều 74 BLTTHS 2015 quy định: “Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ”.

Đây là quy định mới cho phép người bào chữa được tham gia tố tụng sớm hơn, đồng thời cụ thể hóa Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định người bị bắt có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định trong trường hợp bắt người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ).

Quy định về bào chữa trong BLTTHS năm 2015

Ảnh minh họa

Khoản 1 Điều 75 BLTTHS 2015 quy định: “Người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn”. Như vậy, Bộ luật quy định cụ thể 3 đối tượng được quyền lựa chọn người bào chữa là: Người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo), người đại diện và người thân thích của người bị buộc tội.

Khoản 2 Điều 75 BLTTHS 2015 quy định mới về trách nhiệm của cơ quan đang quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn yêu cầu người bào chữa cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Nếu yêu cầu bào chữa của người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giam phải có trách nhiệm chuyển đơn yêu cầu bào chữa cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.

Khoản 3 Điều 75 BLTTHS 2015 quy định mới về trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát hoặc Tòa án đang có trách nhiệm giải quyết phải thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam biết về việc người đại diện hoặc người thân thích của họ nhờ người bào chữa để có ý kiến đồng ý hay không đồng ý về việc nhờ người bào chữa.

Trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa

 Điều 76 BLTTHS 2015 quy định trường hợp người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải bắt buộc chỉ định người bào chữa cho họ là: Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình. Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa được; người có nhược điểm về tâm thần hoặc người dưới 18 tuổi.

Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi bắt buộc phải có người bào chữa là người bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội phạm theo khung hình phạt có mức cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân.

BLTTHS năm 2015 rút ngắn 1/3 thời gian khi làm thủ tục đăng ký bào chữa. Điều 78 quy định mới về thủ tục đăng ký bào chữa: “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại Khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa. Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định về bào chữa trong BLTTHS năm 2015