Điều 65 BLHS năm 2015 quy định về án treo với một số điểm khác biệt so với chế định án treo trong BLHS năm 1999.
Ảnh minh họa
Cụ thể, Điều 65 BLHS năm 2015 quy định về án treo như sau: 1. Khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự. 2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó. 3. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này. 4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách. 5. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 2 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”.
So với Điều 60 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì chế định về án treo quy định tại Điều 65 BLHS năm 2015 được nhà làm luật sửa đổi, bổ sung về nội dung đầy đủ hơn, bao quát hơn; về câu từ rõ nghĩa hơn, chính xác hơn. Cụ thể:
Tại khoản 1 bổ sung cụm từ “thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự”. Các nghĩa vụ của người được hưởng án treo phải thực hiện, được quy định tại Điều 64 Luật Thi hành án hình sự năm 2010, bao gồm: Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục; Trường hợp người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên thì phải khai báo tạm vắng.
Ba tháng một lần trong thời gian thử thách người được hưởng án treo phải nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật cho người trực tiếp giám sát, giáo dục; trường hợp đi khỏi nơi cư trú từ 3 tháng đến 6 tháng, thì phải có nhận xét của Công an cấp xã nơi người đó đến lưu trú hoặc tạm trú để trình với Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người đó.
Thay vì phải sử dụng phương pháp dẫn chiếu đến các điều luật tương ứng quy định về hình phạt bổ sung, nếu người được hưởng án treo bị buộc phải chấp hành loại hình phạt bổ sung mà tội danh và điều luật Tòa án đang áp dụng có quy định, nội dung quy định tại khoản 3 Điều 60 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 cũng không quy định rõ chủ thể có quyền áp dụng hình phạt bổ sung đó là ai. Để khắc phục hạn chế này, khoản 3 Điều 65 BLHS năm 2015 tuy cũng diễn tả nội dung đó, nhưng kỹ thuật lập pháp được vận dụng nhuần nhuyễn hơn, rõ ràng hơn bằng cách quy định trực tiếp và chỉ rõ chủ thể Tòa án có thể quyết định áp dụng hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định loại hình phạt này đối với người được hưởng án treo.
Tại khoản 5 Điều 65 BLHS năm 2015 bổ sung quy định quan trọng nhằm bảo đảm người được hưởng án treo phải chấp hành tốt các nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định trong thời gian thử thách. Nếu người được hưởng án treo trong thời gian thử thách cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 64 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 từ 2 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Đây là điểm bổ sung hoàn toàn mới mà trước đó, quy định về án treo tại Điều 60 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 chưa đề cập đến.