Quy định đột phá

Bảo Dân| 23/11/2017 08:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 21/11, Quốc hội đã thảo luận khá kỹ càng về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) để thông qua vào kỳ họp sau.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc truy đến cùng tài sản do tham nhũng mà có trong dự luật sẽ là quy định đột phá nhằm tạo dựng hành lang pháp lý mới về xử lý tài sản bất minh.

Trong các nội dung lớn được đề cập sửa đổi lần này, người dân quan tâm hàng đầu là kiểm soát tài sản, thu nhập; việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập và truy xét xử lý tài sản nghi do tham nhũng mà có

Theo đó, mỗi nội dung cụ thể đều có những phương án để Quốc hội xem xét. Trong nội dung thảo luận có ý kiến cho rằng, nếu quy trách nhiệm cho Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức cùng với trách nhiệm xử lý sẽ là “chuyển hóa chức năng” quản lý nhà nước cho cơ quan Đảng. Tuy nhiên, ý kiến này không nhiều.

Các chuyên gia cho rằng kết quả của việc kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức tùy thuộc vào cơ chế để thực hiện chứ không hẳn do cơ quan nào thực hiện. Ở các nước người ta có luật kiểm soát thu nhập, hạn chế sử dụng tiền mặt để chống tham nhũng. Kiểm soát thu nhập không thể chỉ là việc kê khai, giải trình và xác minh.

Công tác quan trọng này phải được xử lý cả quá trình từ khi nhậm chức đến các thay đổi phải kê khai khi phát sinh tài sản có giá trị và các khoản chi tiêu dùng, chi đầu tư nhằm đảm bảo tiền, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn đều bị kiểm soát nghiêm ngặt và có đủ cơ sở để xác minh.

Trong thực tế, chúng ta có cả một hệ thống các cơ quan Đảng và chính quyền có quyền hạn và trách nhiệm xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, Luật Phòng chống tham nhũng của ta qua hai lần sửa đổi vẫn chưa có các biện pháp kiểm soát thu nhập, xác minh tài sản… dù một số quy định cụ thể đã có trong nhiều luật, văn bản, nên thực hiện còn nhiều bất cập khiến có người ví von rằng Luật Phòng chống tham nhũng của ta như “hổ không có răng”, “cọp không vuốt”.

Hơn 10 năm thực thi Luật Phòng chống tham nhũng cho thấy tài sản thất thoát và chui vào túi quan tham quá nhiều nhưng thu hồi không đến 10% là không đáng bao nhiêu bởi chưa có quy định về xử lý tài sản bất minh. Có đại biểu nêu ý kiến để thu hồi tài sản bất minh như quy trình hiện nay phải có một vụ án hình sự và quá trình xử lý kéo dài đủ để bị can, bị cáo phân tán hết tài sản bất minh và do đó không thể thu hồi.

Thảo luận Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, ĐBQH đã thẳng thắn yêu cầu bổ sung ngay quy định xử lý tài sản giấu diếm không kê khai, tài sản bất minh không giải trình được vào dự luật này và coi đây là quy định đột phá về phòng chống tham nhũng.

Quy định này được coi là chế tài đột phá đủ mạnh để phòng ngừa đại nạn tham nhũng. Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần thứ 3 chắc chắn phải có các quy định đầy đủ, sắc bén về công khai, minh bạch tài sản thu nhập và chế tài xử lý tài sản bất minh của cán bộ, công chức trong diện phải kê khai và công khai.

 Dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này được chuẩn bị kỹ càng với 3 kỳ họp nhằm tranh thủ cao nhất ý kiến của ĐBQH, chuyên gia và của công dân. Chúng ta có thể kỳ vọng, năm 2018 sẽ có Luật Phòng chống tham nhũng với những quy định, chế tài đủ mạnh, mang tính đột phá! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định đột phá