Chính trị

Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 19/02/2025 11:42

Với 459/461 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 99,56%, sáng 19/2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

vb3.jpeg
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) gồm 9 chương, 72 điều. Luật phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy, quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số chủ thể; sửa đổi, bổ sung khái niệm “quy phạm pháp luật” và “chính sách”, làm cơ sở xác định thẩm quyền của các chủ thể trong lập pháp và lập quy.

Theo Luật, Quốc hội ban hành luật để quy định các vấn đề thuộc thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội nhằm “luật hóa đến mức tối đa những vấn đề quan trọng của đất nước”.

Đáng chú ý, Điều 10 của Luật quy định Quốc hội ban hành luật để quy định: tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền địa phương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà theo Hiến pháp phải do luật định; việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; tội phạm và hình phạt; tố tụng tư pháp; chính sách cơ bản về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước; quy định các thứ thuế, về huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước; chính sách cơ bản về quốc phòng, an ninh quốc gia; hàm và cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; chính sách cơ bản về đối ngoại; hàm và cấp ngoại giao; hàm và cấp nhà nước khác; chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước; trưng cầu ý dân; cơ chế bảo vệ Hiến pháp; vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và luật.

Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định: thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định của luật hiện hành... nghị quyết của Quốc hội đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội...

Bắt buộc tham vấn chính sách

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Về tham vấn chính sách (các điều 3, 6, 30 và 68 dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị rà soát quy định về hoạt động tham vấn chính sách bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội; quy định rõ cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm chủ trì tổ chức tham vấn; nghiên cứu xác định rõ đối tượng tham vấn để bảo đảm tính khả thi.

vb1.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tham vấn chính sách là quy định mới được bổ sung vào quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm bảo đảm chính sách của dự án được xây dựng có chất lượng, giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra, hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành, sớm đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Dự thảo Luật đã thiết kế cụ thể trình tự xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết tại các điều 39, 40, 41 theo quy trình tại một kỳ họp và kỳ họp tiếp theo, bảo đảm chặt chẽ.

Việc đổi mới theo hướng này nhằm bảo đảm chất lượng của việc soạn thảo các dự án trình Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, đẩy nhanh tiến độ ban hành luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)