Quốc hội thảo luận về KT-XH: Tập trung giải quyết các "nút thắt" của nền kinh tế

Bình Nguyên| 08/11/2021 12:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 8/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

thao-luan.jpg

Quốc hội cũng thảo luận về Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.

Cần tập trung các vấn đề lao động, việc làm

Là người đầu tiên phát biểu trong phiên thảo luận, Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) dành nhiều thời gian nói về công tác phòng, chống dịch kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát.

Đại biểu cho rằng để bảo đảm an toàn cho người dân trong biến động về kinh tế, xã hội, trong đó có những tác động đến tâm lý của người lao động. Muốn vậy, Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp lâu dài về nguồn lực, bảo đảm một số dịch vụ cơ bản, tránh rủi ro, bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân, nhất là hệ thống y tế ở cơ sở.

Đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống “không bình thường”, mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động bởi hỗ trợ người lao động cũng là động lực tăng trưởng của đất nước.

Cũng quan tâm đến lao động, việc làm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) đề nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine cho người dân; đẩy mạnh triển khai chính sách đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp cho người lao động; tập trung kết nối cung cầu lao động; xây dựng các nhóm tương trợ, hỗ trợ người lao động; cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ; giải quyết việc làm cho người lao động tại quê nhà,...

minh-tam(1).jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình)

Nhấn mạnh “trong nguy luôn có cơ”, Đại biểu Tâm bày tỏ tin tưởng, trong khó khăn sẽ thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước để cả dân tộc đoàn kết cùng vượt qua thử thách khắc nghiệt trong giai đoạn này.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Linh cho rằng, cần tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới cũng là vấn đề quan trọng. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho y tế cơ sở. Rà soát điều chỉnh các chính sách cho lực lượng tham gia lực lượng phòng chống dịch.

Chiến lược ngoại giao vaccine trong thời gian qua rất hiệu quả. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất trong nước để chủ động nguồn cung và tự chủ vaccine để đảm bảo cung cấp cho người dân trong nước. Chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến lược chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống Covid để đảm bảo an toàn khoa học, hiệu quả và phân bổ vaccine hợp lý.

Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị cần quan tâm nghiên cứu có chính sách hỗ trợ động viên lực lượng tuyến đầu, cán bộ, công nhân, viên chức các ngành các cấp nhất là cán bộ cơ sở do làm nhiệm vụ bị mắc Covid-19, những người hy sinh, tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Cùng với đó, đánh giá hiệu quả các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 để đề ra những giải pháp trong những năm tiếp theo. Tiếp tục kiểm tra giám sát việc tổ chức các hoạt động, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương. Kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo công bằng, không bỏ sót, bỏ lọt đối tượng.

“Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát, kiểm toán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư mua sắm chi phí cho phòng chống dịch và các gói an sinh xã hội. Cương quyết xử lý nghiêm, đúng theo quy định của pháp luật với những trường hợp phát hiện có sai phạm. Xây dựng các quy định về biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào công tác phòng chống dịch và các hoạt động thiện nguyện”, bà Linh phát biểu.

Tập trung giải quyết 3 "nút thắt" quan trọng

Giải pháp nào giúp doanh nghiệp vực dậy sau dịch bệnh và trở thành động lực cho phát triển kinh tế là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị phải tập trung giải quyết 3 nút thắt quan trọng.

Thứ nhất là cần khẩn trương, quyết liệt giải ngân gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, nhiều chính sách chưa bao quát hết các nhóm đối tượng. Việc tiếp cận gói chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hưởng thụ còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp sản lượng giảm nhưng doanh thu vẫn cao hơn so với những năm trước. Lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu vận chuyển, chi phí tăng phi mã, gánh nặng chi phí vừa sản xuất, vừa chống dịch lại không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phải đóng cửa do dịch bệnh như khách sạn, nhà hàng thì việc miễn, giảm thu nhập doanh nghiệp trong khu vực này thực sự là không có ý nghĩa. Do vậy, vấn đề đặt ra quan điểm của các nhà làm chính sách phải thực sự muốn hỗ trợ, khuyến khích và mong muốn cho đi, từ đó có cách tiếp cận, cởi mở và thân thiện, nhân văn hơn. Cần tối giản và rút gọn các thủ tục rườm rà, thiện chí và linh động xét duyệt cho đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ quý giá này.

Thứ hai, nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo. Trên thế giới, để vượt qua đại dịch, hầu hết các quốc gia đều phải can thiệp mạnh vào nền kinh tế bằng các gói hỗ trợ. Dịch bệnh còn diễn biến khó lường, doanh nghiệp cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Chính phủ đặt ra mục tiêu nợ công năm 2022 là khoảng 40 đến 45% so với GDP và khả thi so với ước thực hiện năm 2021 là 43,7%. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 4%, mức này là an toàn so với trần nợ công 60% GDP.

nhu-so.jpg
Đại biểu Nguyễn Như So ( Bắc Ninh) phát biểu thảo luận.

Do vậy, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu, tung ra gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vi mô. Các gói hỗ trợ cần lựa chọn đúng, trúng các đối tượng ngành nghề hay là xác định để nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ cho doanh nghiệp, trung tâm trong chiến dịch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025. Theo đó phải lấy tiêu chí nâng cao năng suất lao động làm then chốt quyết định đến nội lực của doanh nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ rào cản định kiến, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân. Tinh gọn bộ máy hành chính là nhiệm vụ then chốt giúp các doanh nghiệp rút gọn các khâu trung gian, tiết kiệm chi phí nguồn lực. Tuy nhiên, tinh gọn bộ máy không nên máy móc cơ học và nóng vội.

Thứ ba là phát triển, mở rộng thị trường, đây là nhiệm vụ sống còn và phát triển kinh tế. Hiện nay chúng ta lại phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài, điều này làm cho nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương. Do đó cần phải có chính sách đột phá nhằm ổn định phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường quốc tế, mở rộng môi trường xuất khẩu mới có tiềm năng tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại trực tuyến gắn với chuyển đổi số. Xây dựng Trung tâm quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam.

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế là hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, tốc độ, phạm vi và tính bền vững của việc mở cửa trở lại nền kinh tế - xã hội phải luôn đi cùng với việc tăng nhanh hơn nữa việc đáp ứng các công cụ phòng, chống dịch. Đó là ý thức chấp hành nghiêm túc quy định 5K, độ bao phủ của vaccine, mức độ dồi dào của công cụ và thuốc chữa bệnh Covid-19; sự hiểu biết về phòng, chống dịch, khả năng tự xét nghiệm, tự chữa bệnh của người dân theo hướng dẫn của ngành y tế, năng lực và trách nhiệm của y tế tuyến đầu và y tế cơ sở... Việc đáp ứng những yêu cầu đó đòi hỏi Chính phủ tiếp tục nỗ lực và có những biện pháp thích hợp để nâng cao ý thức người dân và khả năng phòng, chống bệnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp ngoại giao vaccine và thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước bảo đảm chủ động phòng, chống dịch.

Theo đại biểu, ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc kết hợp một cách chặt chẽ, khoa học giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ vừa đảm bảo nguồn cung tiền cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm chỉ số lạm phát giới hạn ở mức độ cho phép, tránh gây xáo trộn nền kinh tế. Đây được coi là chìa khóa thành công có tính nền tảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về KT-XH: Tập trung giải quyết các "nút thắt" của nền kinh tế